7 cách để thu hút sự tham gia của trẻ trong lớp học

7 cách để thu hút sự tham gia của trẻ trong lớp học

Việc trẻ có tiếp thu bài được hiệu quả, ghi nhớ và tự xây dựng kiến thức cho mình hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự tham gia theo cá nhân hay theo nhóm trên lớp. Các nghiên cứu về giáo dục và khoa học xã hội gần đây cho thấy sự tò mò của học sinh được hình thành nhờ tăng cường các kết nối với bài học, tương tác với bạn cùng lớp cũng như sẵn sàng cam kết thực hiện mục tiêu học tập.

Có những phương pháp đơn giản mà giáo viên có thể sử dụng trong một bài học để tăng sự tò mò và tích cực tham gia, nhất là khi học sinh càng lớn, dấu hiệu thiếu tập trung có thể càng rõ hơn.

1. Khai thác sức mạnh của các thử thách và câu đố:

Từ tác giả của Ngàn lẻ một đêm cho tới nhà biên kịch của những bộ phim kịch tính như Stranger Things đều hiểu con người luôn khao khát tìm hiểu điều gì xảy ra tiếp theo. Chúng ta luôn thích được giải đố, hay đóng vai trò như là thám tử điều tra để tìm ra trình tự và các quy luật. Vì vậy, giới thiệu bài học tiếp theo với dạng câu đố sẽ có thể giúp học sinh tò mò hơn về bài học.

Hãy thử đặt một câu hỏi rộng hơn cho các nhóm gồm ba hoặc bốn học sinh, chẳng hạn như: “Điều gì sẽ xảy ra nếu môi trường sống của loài bướm bị hạn hán nghiêm trọng khi chúng đang ở trong giai đoạn con nhộng?” hoặc “Điều gì xảy ra nếu nhân vật nổi tiếng này còn sống?” Hãy để các nhóm thảo luận và trình bày các ý tưởng và phản biện ý kiến của các bạn trên lớp. Từ đó học sinh sẽ nhận ra rằng: Việc dự đoán và tìm tòi thêm chính là khởi đầu cho một bài học tiếp theo.

2. Tạm dừng sau khi hỏi một câu hỏi và khi nhận được câu trả lời:

Việc nhận câu hỏi và trả lời dồn dập không chắc có thể giúp học sinh ghi nhớ, tiếp thu hay suy luận liên tục. Vì chúng ta xử lý thông tin theo tốc độ khác nhau, nên đôi khi việc nghe được câu trả lời từ học sinh đầu tiên giơ tay có nghĩa là các học sinh khác có thể từ bỏ câu hỏi trước khi các bạn thực sự suy nghĩ và xử lý vấn đề.

Chúng ta có thể tạm dừng một cách có chủ đích sau mỗi câu hỏi, và một lần nữa sau mỗi câu trả lời. Sự tạm dừng ở lần thứ hai giúp các sinh viên khác xem xét lại câu hỏi và suy nghĩ về câu trả lời đầu tiên. Khi dừng lại ở mỗi câu hỏi cũng chính là cách để rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh, bởi các bạn sẽ có thời gian để kết nối các kiến thức của mình và tự suy nghĩ các vấn đề ở bậc cao hơn hay tìm ra lỗ hổng mà mình chưa biết.

Cũng cần nhớ rằng, các câu trả lời dạng đồng thanh không chỉ dành cho học sinh nhỏ tuổi: Khi các bạn học sinh lặp lại và trả lời cùng một lúc có thể giảm bớt nguy cơ bạn không tham gia đóng góp vào nội dung bài học. Dù chúng ta vẫn đang cố gắng phát triển giáo dục cá nhân hóa, nhưng việc tham gia vào một nhóm vẫn chứng minh được tính tác động đến người học, kể cả là với các học sinh cấp 2 hay cấp 3.

3. Đặt ít câu hỏi nhưng câu hỏi sâu hơn:

Một hoặc hai câu hỏi đòi hỏi tư duy bậc cao có thể dẫn đến phần thảo luận sâu và ghi nhớ tốt hơn. Hãy thử sử dụng những câu hỏi bắt đầu với câu hỏi “Nếu như” hay “Làm thế nào”, và nhắm đến những câu hỏi mà không có câu trả lời có sẵn hay chỉ dựa trên ghi nhớ. Mục tiêu là để thúc đẩy liên tục tư duy bậc cao (High-ordered thinking skills) và tích cực tham gia vào thảo luận.

4. Mở đường cho thảo luận:

Tranh luận về một vấn đề và cố gắng thuyết phục người khác với những lập luận và thông tin logic sẽ là cách tuyệt vời để học sinh có thể hiểu và yêu thích hơn chủ đề. Ba Mẹ hay Thầy cô có thể áp dụng cách này từ các vấn đề thường thức cho tới khoa học, lịch sử. Các câu hỏi đặt ra cho học sinh có thể là “Tại sao con nghĩ nhân vật trả lời như vậy?” hoặc “Điều gì con cho rằng đã xảy ra khi ở tình huống này?” Một điểm cần lưu ý là người đặt câu hỏi cũng cần chuẩn bị trước để cuộc tranh luận không đi đến trạng thái tiêu cực hay bị cảm xúc lấn át. Việc thảo luận liên tục sẽ giúp rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh, để các bạn có thể chuẩn bị cho các môn học, vấn đề phức tạp hơn trong tương lai.

5. Giúp học sinh chủ động thu hẹp khoảng cách kiến thức:

Một lượng lớn kiến​​thức cơ bản cần có thầy cô hướng dẫn trực tiếp; sau đó thầy cô có thể kết hợp hướng dẫn với tự định hướng và khuyến khích học sinh tìm tòi nhiều hơn, từ đó thúc đẩy việc học tập trong dài hạn.

Học sinh có thể trả lời những điều mà các em biết về một chủ đề, sau đó được chia sẻ những điều mà em chưa biết. Chúng ta có thể tiếp tục đẩy sự mong muốn tìm hiểu đi xa hơn với câu hỏi “Vậy đâu là vấn đề mà con nghĩ là quan trọng nhất để học?”. Các bạn có thể suy đoán, sắp xếp ưu tiên hoặc tự bình luận về điều mà bạn chưa biết. Đây chính là khoảng thời gian để trẻ tự kiểm tra kiến ​​thức và khả năng học hỏi một cách toàn diện hơn.

6. Trả lời câu hỏi “Có gì trong chủ đề này mà mình có thể áp dụng được”:

Việc hứng thú của học sinh sẽ được nuôi dưỡng nếu các bạn trả lời được câu hỏi “Tại sao mình nên biết điều này?”. Học sinh sẽ cần được suy nghĩ và tự chỉ ra mối liên hệ, cách sử dụng của kiến thức này trong cuộc sống. Học sinh có thể đặt câu hỏi thêm và giáo viên cũng như các bạn cùng lớp sẽ chia sẻ góc nhìn để từ đó giúp học sinh thấy được mối liên hệ rõ ràng giữa sách vở và đời thực.

7. Khuyến khích học hỏi từ các bạn (peer-learning) và hợp tác trong lớp:

Học sinh khi làm việc theo nhóm nhỏ và có sự hỗ trợ chỉ dẫn của giáo viên sẽ là cơ hội tuyệt vời để các bạn phát triển các kĩ năng sống – kĩ năng thế kỉ 21 quan trọng như giao tiếp, hợp tác, sáng tạo đồng thời tích lũy được kiến ​​thức và nhiều góc nhìn khác nhau. Các bạn học được việc thành công của nhóm cũng sẽ đem lại thành công cho mình, hay như làm thế nào để giúp các thành viên khác bổ sung kiến thức, kĩ năng.

Có thể các phương pháp trên đều đã được áp dụng ít nhiều trong các lớp học. Nhưng nó sẽ có ý nghĩa hơn nếu chúng ta kết nối các phương pháp này để tạo nên một môi trường và chiến lược học tập giúp kích thích sự ham học, hứng thú và tham gia của học sinh trên lớp nhiều hơn mỗi ngày.

Nguồn: https://www.edutopia.org/article/7-ways-spark-engagement

Dịch và Biên tập: Quyên Nguyễn