
CHA MẸ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CON TỪ GIAI ĐOẠN 6-10 TUỔI NHƯ THẾ NÀO?
Cha mẹ luôn có sự ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống của con cái, về tất cả mọi mặt, từ việc hình thành thói quen học tập, chơi thể thao đến xây dựng hệ giá trị của trẻ. Trẻ em thường là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ. Chúng sẽ làm những gì bạn làm chứ không phải những gì bạn nói. Tuy nhiên, cha mẹ không phải là những người có ảnh hưởng duy nhất đối với con mình, đặc biệt là sau khi trẻ đến trường và bắt đầu có mối tương tác với thế giới rộng mở bên ngoài.
Hầu hết các bậc phụ huynh đều cố gắng mang lại cho con mình những khởi đầu tốt nhất có thể. Tuy nhiên, có một sự thật mà phụ huynh cần phải hiểu rằng mỗi đứa trẻ sẽ vào đời với tính cách, nhân cách và mục tiêu của riêng mình. Vì vậy, điều cha mẹ cần làm là chuẩn bị cho con môi trường để trẻ bước ra thế giới một cách độc lập, được rèn luyện tư duy phản biện từ khi còn là học sinh và có đủ khả năng để theo đuổi bất cứ con đường nào chúng chọn thay vì vạch sẵn cho con một con đường nhất định.
Sống trong một thế giới luôn luôn luôn thay đổi nhanh chóng, cha mẹ có thể có toàn quyền chọn lựa phương pháp cũng như xu hướng nuôi dạy con. Phụ huynh chỉ cần nhớ một nguyên tắc là những điều mà trẻ em cần để phát triển đều dựa trên nền tảng: sự an toàn, có hệ thống, sự hỗ trợ và tình yêu thương.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH PHỤ HUYNH TỐT
Để nuôi dạy con cái một cách hiệu quả, cha mẹ không chỉ phải đảm bảo để con tránh được những hiểm nguy cụ thể như bị lạm dụng, bỏ mặc hoặc chiều chuộng thái quá mà còn phải có trách nhiệm duy trì sức khỏe và sự an toàn của con, khuyến khích để trẻ có cảm xúc và thái độ sống tích cực, hoàn thiện các kỹ năng xã hội và chuẩn bị đầy đủ kiến thức cho trẻ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ có khả năng thích nghi nhất thường được nuôi dưỡng bởi những bậc cha mẹ có khả năng kết hợp hài hòa giữa sự ấm áp và sự nhạy cảm với những kỳ vọng về con rõ ràng. Phụ huynh có thể tham khảo nguyên tắc 4C trong nuôi dạy con như sau: Chăm sóc – Caring (thể hiện sự chấp nhận và yêu thương), Nhất quán – Consistency (duy trì môi trường ổn định), Lựa chọn – Choice (cho phép trẻ phát triển tự chủ) và Kết quả – Consequence (thừa nhận kết quả của sự lựa chọn, dù là tích cực hay tiêu cực).
Một số cách nuôi dạy con không lành mạnh
Không phải mọi cách nuôi dạy con đều đem đến những điều tốt nhất cho trẻ. Một số trẻ hầu như bị triệt tiêu khả năng đối mặt với những thất bại khi trưởng thành do được cha mẹ bảo bọc thái quá. Hai ví dụ thường thấy của kiểu nuôi dạy con này là: trẻ em bị giám sức quá mức và được giữ tránh xa mọi mối nguy hiểm hoặc trẻ được dọn sẵn đường đi mà ở đó tất cả những khó khăn có thể gặp phải đều bị loại bỏ.Cả hai cách này đều có thể tác động tiêu cực đến sự độc lập, sức khỏe tinh thần và lòng tự trọng của trẻ sau này.
Tuy nhiên, việc ít nhận được sự quan tâm của cha mẹ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của trẻ. Trong trường hợp này trẻ sẽ có xu hướng tìm kiếm sự động viên và học hỏi từ bạn bè.
Ngoài ra, cách nuôi dạy con quá khắc nghiệt hoặc độc đoán có thể có tác dụng tương tự.
Để là một phụ huynh tốt, cha mẹ nên cố gắng yêu thương nhưng kiên định đồng thời cho phép trẻ có đủ không gian để phát triển sở thích, khám phá sự độc lập và trải nghiệm thất bại.
PHỤ HUYNH THẾ KỶ 21 CẦN BIẾT
Để trở thành một phụ huynh tốt đã khó. Để trở thành một phụ huynh tốt trong thế kỷ 21 còn nhiều thử thách hơn. Bởi vì, trẻ em ngày nay rất dễ bị “lạc lối” khi đối diện với khó khăn trong quá trình trưởng thành, nếu không không có sự hướng dẫn đúng cách của cha mẹ. Sự quan tâm quá mức của cha mẹ đối với con cái cũng tệ như không có sự quan tâm nào. Ngày càng có nhiều thanh niên mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm, có cảm giác quá sức hoặc không thể làm được việc gì. Vì vậy, cha mẹ ngày nay cần hướng dẫn trẻ cách đối mặt với thử thách ngày một nhiều hơn so với những thế hệ trước.
Cha mẹ ngày nay cần sớm nhận ra những thách thức và cơ hội mà trẻ phải đối mặt bằng cách chú ý nhiều hơn đến thế giới của con như sau:
- Hiểu rõ môi trường của con: nhận ra những thách thức, xung đột hoặc cơ hội mà con có thể gặp phải, biết ai và điều gì ảnh hưởng và ảnh hưởng như thế nào đến chúng.
- Phát triển kỹ năng kiểm soát cảm xúc của con: dạy con cách kiểm soát cảm xúc không phải là loại bỏ cảm xúc của bản thân mà làm chủ hành vi, thái độ dù trong tình trạng cảm xúc tiêu cực nhất. Để trẻ nhận ra rằng người kiểm soát tốt cảm xúc là người gặp được nhiều thành công.
- Chuyển hướng hành vi của con để đạt được kết quả tích cực: giúp con hoàn thành các mục tiêu nhưng không thiết lập sự khác biệt giữa nỗ lực và thành tựu của con. Thông qua đó dạy con ý thức về giá trị bản thân,sự tự trọng và động lực cho những nỗ lực hiện tại và tương lai của chúng.
- Rèn luyện tư duy phản biện cho con: bất kể con bạn làm nghề gì cũng đều cần đến khả năng đánh giá đa chiều một vấn đề, lắng nghe và đưa ra được chính kiến của mình. Được trang bị kĩ năng phản biện, trẻ sẽ vững vàng và kiên định với lựa chọn của mình mà vẫn có thể dung hòa được với những người xung quanh. .
Như vậy, chìa khóa để nuôi dạy con hiệu quả trong thế kỷ 21 là sự linh hoạt, phù hợp với khả năng đáp ứng của phụ huynh và và con mình. Quá trình này cần phải được điều chỉnh, đánh giá và thích nghi liên tục.
HuyenP. tổng hợp
https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-author-speaks/201907/21st-century-parenting