CHÚNG TA ĐÃ CHUẨN BỊ GÌ CHO TƯƠNG LAI?

Chúng ta biết rằng tương lai là bất định nhưng có một điều chắc chắn là thế giới công việc đang thay đổi. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong tương lai, những công việc mới, chưa từng tồn tại sẽ xuất hiện đồng thời gần một nửa trong số tất cả các công việc hiện tại sẽ được tự động hóa bởi trí tuệ nhân tạo.

Vì vậy, con người nếu muốn thành công cần phải có các phẩm chất như tính tò mò, sáng tạo và sự kiên cường để thích ứng với những đổi thay này.

Tuy nhiên, trường học thay vì chuẩn bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để đối mặt với tương lai bất định thì dường như vẫn đang chỉ tập trung vào việc cung cấp lý thuyết và những bài kiểm tra. Bạn có từng nghĩ, cách trẻ em tiếp cận kiến thức ở trường học ngày nay chẳng khác là bao so với hơn 200 năm trước. Những đứa trẻ được cung cấp một lượng kiến thức khổng lồ nhưng gần như không có khả năng kết nối chúng để giải thích và hiểu được sự vận hành của thế giới thực.

Không lâu nữa, người ta sẽ không tuyển dụng bạn dựa trên những điều bạn biết thông qua việc ghi nhớ những kiến thức đã học (việc này đã có Google hay Siri làm) mà bạn sẽ được thuê vì những gì bạn có thể làm với kiến thức của mình. Bạn phải có khả năng giải quyết các vấn đề môt cách sáng tạo chứ không phải làm theo hướng dẫn bởi vì việc đó người máy làm tốt hơn chúng ta rất nhiều lần. Tuy nhiên, với cách dạy và học như hiện nay, con người đang được huấn luyện thành robot, làm những công việc mà robot đang thay thế con người và làm rất tốt. Jack Ma đã nói rằng: chúng ta không nên cạnh tranh với trí tuệ nhân tạo, thay vào đó tập trung phát triển trí thông minh riêng biệt.

Theo Viện toàn cầu McKinsey, robot có thể thay thế 800 triệu việc làm vào năm 2030. Diễn đàn kinh tế thế giới cũng cho hay một cuộc cách mạng về kỹ năng của con người có thể mở ra một loạt các cơ hội mới.

Chỉ nhận biết được tầm quan trọng của những kỹ năng mềm, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng nghiên cứu, khả năng tìm kiếm thông tin, tổng hợp thông tin,.. thôi chưa đủ. Chúng ta phải tìm ra giải pháp để có thể “đại tu” hệ thống giáo dục. Nếu trước đây, các kỹ năng STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) có ý nghĩa rất lớn trong sự phát triển của nhân loại thì giờ đây người ta cũng đã chứng minh rằng nghệ thuật, khoa học xã hội và nhân văn cũng có vai trò quan trọng không kém.

Chúng ta, thông qua hệ thống giáo dục, phải có trách nhiệm trả lại cho những đứa trẻ phẩm chất tò mò, luôn muốn tìm kiếm và trả lời những câu hỏi lớn về cách thức vũ trụ hoạt động. Đó cũng chính là bước chuẩn bị cho trẻ trước khi bước vào tương lai.