Động viên hay Khen ngợi trẻ thế nào để trẻ tiến bộ trong dài hạn?

Rất nhiều người nhầm lẫn rằng việc nhận được lời khen ngợi sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn. Tuy nhiên, sự khích lệ mới thực sự hiệu quả hơn là sự khen ngợi trong việc xây dựng sự tự tin cho trẻ em. Việc lạm dụng lời khen còn có thể hạ thấp sự tự tôn của trẻ em và khiến chúng cạnh tranh nhiều hơn nhưng lại ít hợp tác hơn.

Sự khác biệt giữa khen ngợi và động viên

Khen ngợi và động viên rất khác nhau. Khen ngợi tập trung vào những gì người lớn nghĩ hoặc cảm nhận và thường là sự đánh giá một việc được xem là “tốt”. Người lớn hay cho rằng việc dùng các lời khen (có ẩn chứa nhận xét của người lớn dù rất tế nhị) như “Con là một cô bé tốt” “Cô thích tòa nhà mà con xây” hay “Cô tự hào vì con đã dọn dẹp sạch sẽ” là những lời khen ngợi nghe có vẻ hiệu quả. Tuy nhiên, những đứa trẻ được khen ngợi kiểu này sẽ có xu hướng làm hài lòng người lớn chứ không phải vì tự bản thân chúng muốn làm điều đó.

Khuyến khích là không phán xét. Những lời động viên thường tập trung vào những sự việc cụ thể nhưng không đánh giá chúng. Các cụm từ như: “Con thực sự đã làm việc chăm chỉ”, “Hãy nhìn vào tất cả màu xanh mà con đã sử dụng trong bức tranh của mình” hay “Chắc hẳn con tự hào vì con đã giải được toàn bộ câu đố” là những ví dụ về sự khích lệ không phán xét. Trẻ em được động viên sẽ có xu hướng phát triển tính tự giác và sự tự hào trong công việc vì sự động viên tập trung vào những gì chúng đang làm tốt chứ không phải những gì giáo viên nghĩ là tốt.

Người lớn đôi khi lạm dụng sự khen ngợi và vô tình làm tổn thương cảm xúc của những đứa trẻ không phải là đối tượng được nhận những lời khen đó. Thay vì khen ngợi: “Bức vẽ của con rất đẹp”, bạn có thể nói những lời động viên đứa trẻ này như “Tác phẩm của con thật sặc sỡ” sẽ vẫn khiến bé cảm thấy hạnh phúc nhưng đồng thời cũng không làm những bé khác cảm nản lòng vì cảm giác tác phẩm của mình xấu hơn.

Tại sao nên động viên trẻ?

Động viên là tập trung vào nỗ lực. Khuyến khích trẻ bằng cách chỉ ra rằng chúng đã làm việc chăm chỉ như thế nào hoặc chúng đã tiến bộ ra sao. Điều này giúp xây dựng lòng tự hào cho trẻ em trong việc chúng làm.

Động viên là sự thiết lập cho thành công của trẻ. Khi không có sự so sánh, phán xét giữa những đứa trẻ mà mỗi đứa trẻ đều nhận được sự động viên trong việc mình làm thì chúng đều tự tin mình có thể đạt được thành công trong công việc đó.

Sự động viên dạy trẻ tự đánh giá giá trị của bản thân. Khi người lớn đưa ra những phản hồi về những gì trẻ em đang làm, chúng sẽ học được cách tự đánh giá bản thân và rèn luyện tư duy phản biện mà không so sánh những nỗ lực và thành công của mình với những người khác. Những đứa trẻ nhận được sự động viên sẽ học được rằng những gì chúng nghĩ về bản thân quan trọng không kém gì những gì người khác nghĩ.

7 cách động viên trẻ hiệu quả

1. Khi trẻ tìm kiếm sự công nhận: Mô tả những gì bạn thấy để đưa ra phản hồi. Tránh đưa ra đánh giá của riêng bạn. Nhắc trẻ tự đánh giá.

Ví dụ: 

Trẻ: Cô có thích bức tranh của con không?

Người lớn: Cô nhìn thấy con đã sử dụng rất nhiều màu sắc trong bức tranh của mình. Con có hài lòng với nó không? Phần nào của bức tranh mà con thích nhất?

2. Khi trẻ đã hoàn thành công việc nhưng không hài lòng với kết quả (người theo chủ nghĩa hoàn hảo): Công nhận những cảm xúc trẻ. Cho trẻ biết là trẻ đã hoàn thành công việc. Giúp trẻ thấy rằng dù có mắc sai lầm thì vẫn ổn và cũng không sao cả nếu kết quả không hoàn hảo.

Ví dụ:

Trẻ: Thật tệ vì con không thể làm được như con mong muốn.

Người lớn: Con không hài lòng với kết quả này hả? Cô thấy con đã có ý tưởng cho việc này và đã làm được các phần chính của nó và nó vẫn rất ổn dù nó không hoàn hảo.

3. Khi trẻ cảm thấy nản lòng: Lắng nghe và công nhận cảm giác lo lắng, thất vọng, sợ hãi của trẻ. Chỉ cho trẻ thấy những việc trẻ có khả năng làm được trong tình huống này để giúp trẻ có khả năng rèn luyện tư duy phản biện và tự ra được quyết định cho mình.

Ví dụ:

Trẻ: Con không thể làm việc này. Con không muốn làm việc này nữa.

Người lớn: Cô biết con hơi lo lắng khi bắt đầu một công việc mới. Nó có vẻ cũng khá khó để bắt đầu đúng không? Vậy con nghĩ sao nếu chúng ta chia nhỏ việc này ra và con xem mình thích bắt đầu từ phần nào nhé?

4. Khi trẻ hoành thành tốt công việc và rất hài lòng với kết quả: Công nhận cảm giác tự hào của trẻ. Hướng trẻ tập trung vào cảm nhận về bản thân mình.

Ví dụ:

Trẻ: Yeah!!! Con đã ghi bàn và chiến thắng!

Người lớn: Trông con thật vui. Chắc hẳn con rất tự hào về mình!

5. Khi trẻ không hoàn thành mục tiêu: Công nhận cảm giác thất vọng của trẻ. Tập trung vào nỗ lực của trẻ và cách để giúp trẻ cải thiện thay vì phải thành công.

Ví dụ:

Trẻ: Con lại bị ngã xe. Con không muốn tập đi xe nữa.

Người lớn: Con đúng là lại bị ngã xe. Việc tập đi xe cần nhiều thời gian và con đã rất cố gắng hôm nay. Mỗi ngày con đều tập nhiều hơn một chút và đừng bỏ cuộc dù có ngã xe vài lần.

6. Khi trẻ là một người tích cực: Mô tả những điều tuyệt vời trẻ làm bằng những từ ngữ tích cực và bày tỏ sự cảm kích của bạn về điều trẻ làm.

Ví dụ:

Trẻ: Nè, bạn chơi đồ chơi của mình đi (cho bạn chơi chung đồ chơi)

Người lớn: Con đã chia sẻ đồ chơi với bạn. Con thật là thân thiện.

7. Khi trẻ thể hiện đã nỗ lực hết mình (dù có thể không đạt kết quả tốt nhất): Ghi nhận những nỗ lực của trẻ mà không cần đề cập đến thành tích. Chỉ ra cho trẻ thấy những phẩm chất tốt mà trẻ thể hiện qua những cố gắng này, đây chính là lúc trẻ rèn luyện tư duy phản biện ở bậc cao hơn. 

Ví dụ:

Trẻ: Học guitar thật là khó.

Người lớn: Con đang học rất chăm chỉ mà. Học guitar cần nhiều thời gian thực hành hơn và con thật sự đã rất kiên trì.

Trẻ em luôn cần được hỗ trợ, ủng hộ để lớn lên và trưởng thành. Sự khích lệ, động viên khi xây dựng lòng tự trọng, động lực làm việc và hợp tác với người khác cho trẻ sẽ hữu hiệu hơn là sự ngợi khen.

HuyenP. tổng hợp

Tài liệu tham khảo:

https://childcare.extension.org/encouragement-is-more-effective-than-praise-in-guiding-childrens-behavior/

http://onetimethrough.com/7-effective-ways-to-encourage-kids/