
Trước tiên chúng ta cần định nghĩa thế nào là hạnh phúc. Hạnh phúc là một hành trình mà mỗi con người tự xây dựng nội lực bên trong bản thân mình. Nội lực càng vững vàng, sự tự tin càng cao, tính lệ thuộc càng thấp. Lúc đó, con người hoàn toàn chủ động với suy nghĩ và quyết định của chính mình. Được làm điều mình yêu thích với năng lực và kỹ năng chuyên nghiệp, dễ dàng đạt đến ước mơ, khát khao cháy bỏng được nuôi dưỡng qua năm tháng. Và đó chính là đỉnh cao của hạnh phúc.
Vậy để đạt được hạnh phúc, ngay từ lúc còn trẻ, con người phải học rất nhiều điều cuộc sống chung quanh họ. Thời gian hạn hữu chỉ có 24 giờ một ngày. Việc học gì, phân bổ thời gian hàng ngày ra sao của mỗi người, chính là tạo sự khác biệt của những con người ấy trong tương lai.
Nhìn vào thời khóa biểu sinh hoạt và học tập của một học sinh phổ thông, chúng ta có thể dự đoán tương lai của chúng như thế nào, đặc biệt trong thời đại ngày nay. Thế kỷ 21 với những biến đổi không ngừng trong từng khoảnh khắc về kinh tế, chính trị, xã hội, càng buộc trẻ nhỏ phải học đúng nội dung và đúng cách. Giáo dục với nội dung chương trình và phương pháp kiểu truyền thống liệu có là giải pháp hiệu quả trong giáo dục thế kỷ này không luôn là câu hỏi rất lớn cho ngành giáo dục của tất cả quốc gia trên thế giới.
Thử tưởng tượng xem, một học sinh tiểu học sáng đến trường học các môn văn hóa, chiều về nhà Bố Mẹ lại cho đi học thêm các môn Toán, Anh văn, đàn, võ v.v…. Buổi tối sẽ lo chuẩn bị bài vở cho ngày hôm sau. Với thời khóa biểu học tập như vậy có bao nhiêu Phụ huynh tự đặt câu hỏi cho chính mình, rằng việc phân bổ thời gian học tập cho con mình như vậy liệu có phù hợp không? Còn những điều gì mình đã chưa quan tâm để giúp trẻ chuẩn bị cho một tương lai bất định không nhỉ? Và cách thức để trẻ luyện tập những điều cần thiết ấy là như thế nào?
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới 2015, con người cần phải chuẩn bị kỹ năng học tập suốt đời để đối diện với một tương lai không đoán trước được. Kỹ năng học tập suốt đời bao gồm ba nhóm kỹ năng chính. Thứ nhất là nhóm kỹ năng cơ bản, nền tảng bao gồm các môn văn hóa Ngôn ngữ, Toán, Khoa học, Tài chính và Văn hóa Xã hội. Đối với nhóm kỹ năng này tất cả chúng ta đều học rất nhiều và rất kỹ từ tiểu học lên phổ thông. Thậm chí chúng ta dành hầu hết thời gian mỗi ngày chỉ học mỗi nhóm kỹ năng này. Học giỏi tất cả các môn này đều cần thiết, nhưng liệu đã đủ chưa? Chúng ta chỉ có 24 giờ thôi đấy.
Thứ hai là nhóm kỹ năng thuộc về năng lực. Nhóm kỹ năng này giúp người học tự tin đối diện với những vấn đề phức tạp trong tương lai. Bao gồm kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng hợp tác. Gọi tên được những kỹ năng này là điều hết sức đơn giản, ai cũng có thể biết đến, nhưng làm sao để luyện tập và rèn luyện như thế nào chắc có lẽ mỗi chúng ta là người hiểu nhất. Mỗi ngày chúng ta cho phép con trẻ dành bao nhiêu quỹ thời gian để thực hành những kỹ năng này? Và nếu có thời gian dành cho nó, thì cách thức và nội dung cho trẻ rèn luyện như thế nào? Đã có ngôi trường nào có một bộ giáo án đầy đủ về việc hướng dẫn những kỹ năng này cho trẻ chưa? Nói đến kỹ năng là phải nói đến luyện tập với tần suất thường xuyên và dày đặc. Nếu Micheal Jordan – vận động viên bóng rổ giỏi nhất thế giới không dành thời gian mỗi ngày để kỷ luật bản thân, 200 trái bóng vào rổ liên tiếp mới dừng việc luyện tập ngày hôm ấy , thì có lẽ kỹ năng ném bóng vào rổ không thuộc top những người ném bóng vào rổ giỏi nhất. Hay cầu thủ bóng đá Ronaldo nếu không dành thời gian luyện tập kỹ năng chơi bóng trên sân, kỹ năng kết hợp với đồng đội thì đã không có một Ronaldo huyền thoại như hiện nay. Nói như vậy để thấy rằng chính nhóm kỹ năng thứ hai mới là chìa khóa quan trọng tạo sự khác biệt giữa người này và người khác, chứ không phải nhóm kỹ năng thứ nhất. Việc tập trung toàn thời gian cho trẻ vào học tập nhóm kỹ năng nền tảng thứ nhất, người lớn chúng ta đang “cướp dần” cơ hội thành công của trẻ trong tương lai. Hơn nữa khi nói đến nhóm kỹ năng này chúng ta phải nghĩ đến môi trường làm việc không biên giới, công nghệ 4.0, làm việc trên đám mây. Với góc nhìn ấy chúng ta càng thấy nhóm kỹ năng thứ 2 đặc biệt quan trọng. Con trẻ của chúng ta tương lai không chỉ làm việc với những người Việt Nam, mà chúng phải tham gia thị trường lao động quốc tế. Vậy việc am hiểu văn hóa xã hội của những thành viên trong nhóm có quan trọng không? Kỹ năng giao tiếp tích cực và hợp tác là vấn đề sống còn của những người tham gia nhóm. Nó không còn dừng ở chỗ chỉ cần biết tiếng Anh là đủ. Tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào khác chỉ là phương tiện để con người giao tiếp với nhau. Nhưng để có thể làm việc được cùng nhau, con trẻ cần lắm kỹ năng giao tiếp và hợp tác. Ngay từ bây giờ chúng ta nên cho phép con trẻ luyện tập kỹ năng lắng nghe, kỹ năng trình bày ý kiến trái ngược của mình với tập thể đám đông v.v…
Nhóm kỹ năng thứ ba là nhóm kỹ năng then chốt và đỉnh cao để giúp trẻ đạt được thành công trong cuộc sống. Đó là sự tò mò, dám bắt đầu, kiên trì bền bĩ, tính thích ứng, khả năng lãnh đạo, nhận thức văn hóa xã hội. Bao nhiêu người lớn chúng ta thấy được tầm quan trọng của nhóm kỹ năng này? Bao nhiêu trong số ấy đã từng tìm hiểu những chương trình giáo dục này trên thế giới? Và bao nhiêu phụ huynh đã tìm ra một bộ giáo trình có thể giúp con trẻ luyện tập mỗi ngày? Ông Bà xưa có câu nói rất hay “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ăn, nói, gói, mở là những hoạt động hết sức đơn giản, ngay khi chúng ta sinh ra đời, chúng ta đã biết tự ăn để giải quyết cơn đói của mình rồi, thì cần gì phải học? Thật vậy, Ông Bà chúng ta hoàn toàn có những ẩn ý bên trong lời răn dạy ấy. Ăn như thế nào là đẹp, là đúng cách thì phải học. Nói như thế nào để có thêm bạn bè, để không làm tổn thương nhau đâu phải tự nhiên mà chúng ta có được. Tất cả đều phải học, phải được hướng dẫn, phải rèn luyện mỗi ngày thì những điều hay đấy mới trở thành thói quen của trẻ. Thói quen đẹp sẽ kiến tạo nhân cách đẹp. Nhân cách đẹp sẽ tạo nên số phận tuyệt vời.
Tóm lại, trẻ con nên được phân bổ thời gian hợp lý để được học tập và rèn luyện cả ba nhóm kỹ năng nêu trên thì tương lai của trẻ mới đủ vững vàng đối diện với những thách thức ngày càng phức tạp của cuộc sống. Việc chỉ tập trung vào điểm số các môn văn hóa sẽ không khiến trẻ hạnh phúc hơn và thành công hơn trong tương lai.