Khám phá sớm tiềm năng của trẻ

Nếu biết mình có đôi cánh đầy uy lực cùng khả năng bay lượn điêu luyện, thì ắt hẳn Đại Bàng sẽ muốn trở thành chúa tể bầu trời với cuộc sống tự do, thay vì khoái chí trong một chiếc lồng thật đẹp. Cũng vậy, mỗi đứa trẻ sinh ra đều sở hữu những năng lực đặc biệt và việc tìm ra năng lực này sẽ tạo cơ hội cho trẻ trở thành những thiên tài thực sự. Chính vì thế, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đều khuyến nghị các bậc phụ huynh hãy cố gắng tìm hiểu để phát hiện ra những năng lực vượt trội của con mình. Điều này sẽ giúp bạn có được những phương pháp giáo dục phù hợp nhất cho con, hướng con đến sự thành công trong tương lai sau này.

Để khai phóng tài năng của trẻ cần hội đủ ba điều kiện: không gian tự do, trải nghiệm phong phú và sự nuôi dưỡng đam mê. Ba mẹ nên kiến tạo môi trường có đầy đủ các điều kiện trên cho trẻ vào đúng thời điểm và đúng cách, giúp nuôi dưỡng tài năng vượt bậc cho trẻ.

Thế nào là “đúng thời điểm”?

Nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, năng khiếu của trẻ tồn tại theo quy luật giảm dần. Nghĩa là năng lực bẩm sinh sẽ bị “hao mòn” dần theo thời gian, và mức độ hao mòn được tính theo cấp số nhân.

Hãy thử tưởng tượng một em bé khi chào đời được tính là có ít nhất một năng khiếu trong lĩnh vực nhất định, chỉ số năng lực lúc này đạt 100%. Nếu được phát hiện và kích thích phát triển trước 3 tuổi, bé sẽ phát huy được tối đa trên 90%. Đến trước 6 tuổi, còn 70% và khi đến 10 tuổi, năng lực bẩm sinh này chỉ còn khoảng dưới 50%.

Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm đặc biệt đến những hành vi, cử chỉ và thói quen của con để sớm phát hiện và tích cực bồi dưỡng năng khiếu bẩm sinh cho trẻ. Đây chính là lý do cần “đúng thời điểm” để không làm lãng phí nguồn năng lực “thiên bẩm”, hay chính là nguồn năng lực nội tại hình thành sẵn có trong con.

Thế nào là “đúng cách”?

Tìm ra năng khiếu của con đã khó, nhưng phát triển đúng cách còn khó hơn gấp nhiều lần. Nhiều cha mẹ vì quá khao khát con thành công từ sớm mà tìm mọi cách để phát triển năng khiếu cho con. Điều này không hẳn là không tốt, nhưng nếu không hợp lý thì sẽ tạo ra tác dụng ngược.

Hãy thử lấy một ví dụ về khả năng ca hát của một đứa trẻ lên ba. Con rất thích hát, cha mẹ sớm nhận ra năng lực ở con bèn cố gắng tạo mọi điều kiện để phát triển tài năng cho con bằng cách đưa bé đến các lớp luyện thanh chuyên nghiệp, luyện tập thật nhiều, cho con tham gia càng nhiều cuộc thi càng tốt.

Song ở độ tuổi này, thế giới quan của trẻ bắt đầu được hình thành, con được tò mò, được học hỏi, được khám phá thế giới, vạn vật xung quanh. Nếu hát là niềm yêu thích, say mê của con nhưng đổi lại, con phải chịu những tập luyện căng thẳng, o ép gò bó từ sớm, trong trẻ sẽ dần nảy sinh những cảm xúc chán ghét. 

Như vậy, không những không kích thích được sự say mê, phát triển năng lực của trẻ mà vô tình khát khao đó của cha mẹ còn làm thui chột, mai một đi vốn năng khiếu “trời phú” của con. Do đó, sự “đúng cách” khi áp dụng các phương pháp kích thích, phát triển năng khiếu cho con là rất quan trọng, đòi hỏi cha mẹ có sự tìm hiểu, nghiên cứu và chọn lọc kỹ lưỡng.

Những sai lầm cơ bản làm thui chột năng lực bẩm sinh của trẻ

Ảo tưởng về năng lực của bé:

Đây có lẽ là một trong số những sai lầm cơ bản thường gặp nhất của các bậc cha mẹ. Khi phát hiện ra năng khiếu của con, cha mẹ thường có xu hướng đặt tất cả kỳ vọng vào bé, vô tình khiến trẻ phải chịu gánh nặng áp lực.

Không phải đứa trẻ nào bộc lộ năng khiếu bẩm sinh cũng sẽ trở thành thiên tài xuất sắc. Cha mẹ nên nhìn nhận đúng khả năng của con mình để giúp trẻ có cơ hội phát triển tốt nhất, thay vì hướng trẻ trở thành người giỏi nhất..

Ép buộc thay vì khuyến khích:

Khi phát hiện ra năng khiếu bẩm sinh, hầu hết cha mẹ thường có xu hướng dành mọi thứ tốt nhất cho con, đầu tư cho con “càng nhiều càng tốt”. Bằng cách gửi con đến các lớp bồi dưỡng, lớp học thêm, các câu lạc bộ, vô tình khiến con bị áp lực, mệt mỏi bởi bài tập, bởi quỹ thời gian con được vui chơi đã bị thay bằng những giờ học gò bó.

Trên thực tế, để trẻ phát huy tốt nhất năng lực, khả năng tiềm ẩn của mình, cha mẹ nên cho con được tự do chọn lựa theo sở thích, được làm những gì con muốn. Tất nhiên nên có sự hướng dẫn, chỉ dạy một cách bài bản sẽ giúp con phát huy sở trường một cách tốt nhất nhưng nên ở một mức độ vừa phải, phù hợp nhất với thể trạng và khả năng của con.

Cha mẹ cũng cần chỉ ra cho con việc biết cân bằng giữa luyện tập và đời sống chính là một trong những yếu tố quan trọng rèn luyện tư duy phản biện trong dài hạn, bởi con cần biết được bên cạnh những năng khiếu chính, con cần có được sự phát triển toàn diện hơn cả về các mặt văn hóa, hiểu biết xã hội. 

Không nhìn nhận sự nỗ lực, cố gắng của con:

Vì kỳ vọng quá lớn, cha mẹ thường rất nôn nóng khi nhìn vào kết quả thay vì công nhận sự nỗ lực, cố gắng của con. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Bởi không chỉ trong công cuộc khơi dậy và phát hiện năng khiếu cho con, mà cả trong cách nuôi dạy bé cũng cần ghi nhớ 4 yếu tố: đó là yêu thương, kiên nhẫn, trò chuyện và khen ngợi. Chỉ khi trẻ cảm giác được sự yêu thương, trân trọng, ghi nhận sự cố gắng của bé ở cha mẹ thì bé mới hình thành động lực, niềm tin và sự hứng thú để học hỏi, phát triển. 

So sánh trẻ với các anh chị em hay “con nhà hàng xóm”

Việc so sánh trẻ với các anh chị em hay với “con nhà hàng xóm” không làm cho trẻ giỏi hơn mà chỉ khiến lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương. Do đó, bạn tuyệt đối không nên làm việc này.

Thay vào đó, hãy giúp các con bạn tìm ra điểm mạnh của chúng, tạo điều kiện để đám trẻ chơi cùng nhau. Kể cả trong một môn năng khiếu, việc cho con thấy được điểm mạnh mà mỗi cá nhân có là khác biệt cũng sẽ giúp cho con rèn luyện được tư duy phản biện, biết tiếp thu và dung nạp những điểm hay từ bạn bè xung quanh. Con sẽ mong muốn được kết nối và học hỏi từ các bạn nhiều hơn. 

Tóm lại, khám phá tiềm năng của trẻ không phải là một công việc quá khó khăn, chỉ cần ba mẹ dành thời gian và tình yêu cho con đúng cách, kết hợp giữa bản năng và kiến thức thì sẽ nhận ra được điểm mạnh của mỗi trẻ. Đồng hành cùng trẻ chính là nuôi dưỡng và phát huy các thế mạnh ấy bằng những trải nghiệm ba mẹ và trẻ!!

Tư liệu tham khảo

http://betuduy.vn/lam-the-nao-de-phat-hien-va-khoi-day-nang-khieu-bam-sinh-o-tre-p3-nhung-sai-lam-can-tranh/

https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/kham-pha-tiem-nang-cua-tre-thong-qua-trai-nghiem-2018050915323516.htm

https://tamlytreem.com/giup-tr-kham-pha-bn-than/