CHẠM VÀO KHÓ KHĂN
Một đứa trẻ, dù bao nhiêu tuổi, sau thời gian dài sống dưới sự chăm sóc của gia đình, một ngày xách vali lên đi du học, dù trên các cuộc gọi về nhà đều nói “Con khỏe” “Con ổn” thì sự thật đứa trẻ ấy đang phải đối diện cùng một lúc rất nhiều vấn đề mà một người lớn đôi lúc cũng khó lòng vượt qua được trong một thời gian ngắn. Đó là cảm giác sợ hãi, lo lắng vì khác biệt văn hóa, bất đồng ngôn ngữ với chủ nhà, với bạn học, đặc biệt vào những ngày đầu tiên. Đó là sự thay đổi phương pháp học từ bị động, theo yêu cầu, mang tính cá nhân sang chủ động, tự giác và hợp tác, liên tục rèn luyện tư duy phản biện của học sinh. Đó là cảm hoang mang khi loay hoay tìm kiếm phương cách quản lý cuộc sống hiệu quả. Làm thế nào cân bằng giữa thời gian học và chăm sóc bản thân. Làm thế nào để quản lý chi tiêu. Và trên hết là cảm giác nhớ nhà, nhớ sự chăm sóc của gia đình, nhớ người thân và bạn bè, nhất là những lúc khó khăn cần có người chia sẻ.
CÚ SỐC VĂN HÓA
Tìm hiểu thông tin về khí hậu, con người, phong tục,… của nơi bạn sẽ đến là một trong những bước chuẩn bị bắt buộc trước khi du học. Tuy nhiên, những gì tìm hiểu qua sách vở, phim ảnh và thậm chí từ người bản địa đều rất khác so với khi bạn thật sự sống trong một cộng đồng hoàn toàn khác lạ. Bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như cách chào hỏi, phong tục lễ nghi, thói quen sinh hoạt, văn hóa ẩm thực,… không chỉ của riêng người bản địa mà còn của cả những bạn học từ các nền văn hóa khác.
Đây chính là những rào cản đầu tiên mà du học sinh lần đầu xa nhà đối diện và cần phải sớm vượt qua. Những cơn nhớ nhà, thèm đồ ăn mẹ nấu, thèm nói tiếng Việt,… sẽ ập đến ngay khi bạn bước chân ra khỏi sân bay và nó sẽ kéo dài bao lâu là tùy thuộc vào khả năng thích nghi của bạn.
CÚ SỐC HỌC ĐƯỜNG
Môi trường và phương pháp học tập tại nước ngoài khá khác biệt. Người học được yêu cầu tự nghiên cứu, viết bài luận để thể hiện khả năng tổng hợp và lĩnh hội kiến thức. Ngoài việc tự học, học sinh cũng được yêu cầu học nhóm, thảo luận rất nhiều. Điều này cũng gây sức ép với nhiều du học sinh vì đòi hỏi rất nhiều kỹ năng: kỹ năng tìm kiếm, đọc hiểu và tổng hợp thông tin, kỹ năng giao tiếp, rèn luyện tư duy phản biện và hợp tác. Việc du học sinh cần bao nhiêu thời gian để hòa nhập và bắt kịp môi trường học tập mới này hoàn toàn phụ thuộc và sự trang bị và rèn luyện các kỹ năng trên của du học sinh trước đó.
NỖI BUỒN “XA MẸ”
Với bất kỳ ai, kể cả người trẻ tuổi vốn ưa thích thử thách và mạo hiểm, việc lần đầu tiên bước ra khỏi vùng an toàn luôn gây ra một cú sốc lớn. Đó chính là sự lo lắng, đôi khi cả sợ hãi, khi lần đầu tiên bạn phải một mình tự mua sắm đồ dùng, nấu ăn, dọn dẹp hay tự quyết định mức chi tiêu, tự đi khám bệnh và tự chăm sóc để hồi phục. Kỹ năng sống một mình này bạn sẽ không thể học được chỉ qua sách vở và kinh nghiệm của người khác ngoại trừ để bản thân tự trải nghiệm, mà cuộc sống du học là môi trường tốt nhất để rèn luyện.
LÀM SAO ĐỂ VƯỢT QUA
CHẤP NHẬN VÀ TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT
Để có thể thích nghi với những khác biệt văn hóa trong một môi trường đa văn hóa, phẩm chất tiên quyết của một du học sinh cần có là khả năng tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt. Để làm được điều này, kỹ năng giao tiếp là vô cùng quan trọng. Giao tiếp để nhận thông tin, để phản biện và trên hết là để thấu hiểu lẫn nhau. Môi trường du học đa văn hóa dù có nhiều thử thách về sự khác biệt trong nhiều lĩnh vực cũng chính là môi trường tuyệt vời nhất để học sinh rèn luyện và phát triển kỹ năng giao tiếp.
KỸ NĂNG QUẢN LÝ BẢN THÂN
Chủ động: du học sinh cần được trang bị tính chủ động để có thể tự lên kế hoạch học tập, vui chơi, chi tiêu hợp lý. Cuộc sống xa gia đình đòi hỏi du học sinh kỹ năng tự học, tự quản lý thời gian và tài chính. Khả năng giành được “quyền trợ giúp” là gần như bằng không trong trường hợp bạn không kịp hoàn thành chương trình học hoặc cạn kiệt tài chính nếu bạn không chủ động lên kế hoạch về mọi việc và tự giác thực hiện chúng. Để có thể vượt qua và đạt được kết quả tốt, du học sinh cần rèn luyện tính kiên trì và tự giác.
Tổ chức: để hoàn thành các kế hoạch được lập phía trên, du học sinh cần có khả năng nhận biết những việc nào quan trọng nhất trong kế hoạch để thực hiện trước. Bởi vì, trong cuộc sống, không phải bất cứ bản kế hoạch nào cũng có thể hoàn thành. Người rèn luyện được kỹ năng xác định được những hạng mục quan trọng nhất để hoàn thiện trước tiên chính là người nhạy bén và linh hoạt.
KỸ NĂNG SỐNG MỘT MÌNH
Xa nhà, dù là sống với bạn học, người quen hay bất kỳ ai trừ gia đình, chính là lúc bạn bắt đầu cuộc sống tự lập hay còn gọi là sống một mình. Nỗi buồn vì thiếu vắng người thân, không khí ấm áp của gia đình những khi bận rộn hay ốm đau là điều không thể tránh và cần phải đối mặt để vượt qua.
Để có thể thích ứng với cuộc sống một mình mà không mất quá nhiều thời gian hay sa sút tinh thần, du học sinh cần được trang bị kỹ năng tự làm mình vui. Kỹ năng này sẽ có được khi ngay từ sớm, trẻ em được khuyến khích tìm hiểu bản thân, biết được những sở thích, thiên hướng của mình và được hỗ trợ để phát triển chúng. Những đứa trẻ có được những sở thích cá nhân, những “tài lẻ” hoặc thậm chí chỉ cần có tinh thần sẵn sàng học hỏi cái mới hoặc một tư duy mở sẽ là những người luôn tìm được cho mình niềm vui và động lực trong cuộc sống.
Kỹ năng tự làm mình vui đôi khi cũng chính là khả năng học tập suốt đời, học cả những cái đã biết và những cái mới hơn, để một người luôn sống tích cực và tìm được hạnh phúc, dù phải sống một mình.
Một người trẻ tuổi lần đầu du học dù cho có được chuẩn bị tâm lý và kỹ năng thật cẩn thận, dù thế giới phẳng đã giúp con người rút ngắn khoảng cách địa lý, văn hóa,…vẫn sẽ gặp những khó khăn nhất định. Nhưng bù lại, đấy cũng là những ngày tháng trải nghiệm mà không phải ai cũng có cơ hội có được. Và khi bạn trân trọng những ngày tháng ấy, một ngày nào đó nhìn lại bạn sẽ thấy tuổi trẻ du học đã giúp bạn trưởng thành và mạnh mẽ một cách kỳ diệu như thế nào.
HuyenP.