OECD LEARNING COMPASS: LA BÀN ĐỊNH HƯỚNG HỌC TẬP VÀ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tiếp theo chủ đề về Phát triển toàn diện mà không chỉ của Ba Mẹ quan tâm. Hôm nay Arkki tiếp tục chia sẻ một góc nhìn rộng hơn mà Chính phủ, các chuyên gia giáo dục và những nhà hoạch định chính sách giáo dục trong nước và quốc tế đã nghiên cứu và thảo luận trong những năm gần đây. 

Học tập toàn diện có phải là học giỏi nhiều môn, biết nhiều kiến thức? Nhưng trong thực tế, khối lượng kiến thức của nhân loại đang tăng gấp đôi sau mỗi 24 giờ (1), vậy học bao nhiêu cho đủ? Và cùng lúc, một nửa kiến thức đó lại trở nên lỗi thời sau vài năm, ví dụ như toàn bộ kiến thức của một kỹ sư kỹ thuật mới ra trường sẽ bị thay thế sau 2.5 – 5 năm (2), vậy cần học cái gì?

Học tập toàn diện có phải là để chuẩn bị đầy đủ cho một công việc tương lai? Nhưng trong thực tế, 65% trẻ em vào lớp 1 ở thời điểm hiện tại sẽ phải làm những công việc còn chưa được sinh ra (3). Các em sẽ phải sử dụng các công nghệ còn chưa được phát minh, và giải quyết các vấn đề còn chưa tưởng tượng ra được của tương lai. Vậy cần chuẩn bị gì cho tương lai?

Để phần nào trả lời câu hỏi đó cùng Ba Mẹ, Arkki sẽ lần lượt có các bài tổng hợp về thế nào là phát triển toàn diện, và các tổ chức quốc tế và các quốc gia hàng đầu Thế giới đã, đang và sẽ làm gì để chuẩn bị cho sự phát triển toàn diện của học sinh. 

Chịu trách nhiệm xây dựng khung định hướng giáo dục chung cho toàn cầu, OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) – là đơn vị thực hiện PISA – Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment) từ 20 năm qua – đã cùng với đại diện các chính phủ, chuyên gia giáo dục, trường học, giáo viên, học sinh và các tổ chức xã hội trên Thế giới tiến hành nghiên cứu Tương lai của Giáo dục và Kỹ năng năm 2030 (OECD The Future of Education & Skills 2030) (4) với hai giai đoạn:

  • Giai đoạn 1 (2015 – 2019): What – Học sinh hôm nay cần các kiến thức, kỹ năng, thái độ, và giá trị gì để có thể tự định hướng và phát triển được trong thế giới tương lai?
  • Giai đoạn 2 (2019 – ): How – Làm thế nào mà các hệ thống giáo dục có thể giúp học sinh phát triển các kiến thức, kỹ năng, thái độ, và giá trị này? 

Sau 4 năm nghiên cứu Giai đoạn 1, OECD đã vừa công bố OECD Learning Compass 2030 – La bàn định hướng học tập 2030 để chỉ ra các khả năng mà một học sinh cần có, không phân biệt tuổi tác hay điều kiện sống, để có thể phát triển toàn diện, làm đầy các tiềm năng của mình, nhằm thích nghi, phát triển và tạo hình được bất cứ khó khăn và thử thách nào mà tương lai mang đến. Từ đó, mục đích của giáo dục là tạo ra individual & collective well-being – sự phát triển hạnh phúc của mỗi cá nhân và của chung toàn xã hội.

OECD LEARNING COMPASS 2030

Video: OECD Future of Education and Skills 2030: OECD Learning Compass 2030 | OECD

OECD Learning Compass 2030 là chiếc La bàn thể hiện những kiến thức, kỹ năng, giá trị và thái độ và khả năng mà học sinh cần được trang bị để có thể tự định hướng bản thân qua các bối cảnh khác nhau của tương lai, và tìm được hướng đi có ý nghĩa và trách nhiệm cho bản thân, thay vì chỉ nhận các chỉ dẫn hay định hướng từ giáo viên. 

La bàn bao gồm: 

  1. Student Agency – Học sinh làm chủ,
  2. Core Foundations – Các nền tảng chính, 
  3. Knowledge – Kiến thức,
  4. Skills – Kỹ năng,
  5. Attitudes & Values – Thái độ & Giá trị sống,
  6. Transformative Competencies – Các năng lực chuyển hóa, 
  7. Cycle of Anticipation, Action, Reflection – Vòng lặp Nhận định, Hành động, Phản tư,
  8. Megatrends – Các xu hướng toàn cầu ảnh hưởng đến tương lai giáo dục

I. STUDENT AGENCY – HỌC SINH LÀM CHỦ:

“Học sinh làm chủ” xác định rằng học sinh muốn và có năng lực đưa ra các quyết định gây ảnh hưởng tích cực lên cuộc sống và thế giới xung quanh các em. Trong đó giáo dục cần giúp rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh, cũng như khả năng tự đặt mục tiêu, phản tư và hành động có trách nhiệm để tạo ra thay đổi và hướng đến các mục tiêu mong muốn. 

Vai trò của học sinh trong hệ thống giáo dục đã thay đổi từ việc chỉ tham gia lớp học và lắng nghe hướng dẫn của giáo viên, đến việc tham gia học một cách chủ động, tự chủ và có mục đích (student agency) cũng như phối hợp (co-agency) với giáo viên, các học sinh khác, phụ huynh và toàn cộng đồng để đạt được mục tiêu học của mình.

Khi học sinh làm chủ việc học của mình, và đóng vai trò chủ động trong việc quyết định sẽ học cái gì và học như thế nào, các em sẽ có nhiều động lực để học, sẽ tự đặt ra được các mục tiêu học cho chính mình, và tự tìm được cách học phù hợp cho bản thân mình. Như thế, các em sẽ learn how to learn – học được làm sao để học – là một kỹ năng tối quan trọng để các em liên tục thích nghi, phát triển và làm mới bản thân mình trong suốt cuộc đời mình.

Khi đó, Ba Mẹ, Thầy Cô và Nhà trường không chỉ nhìn vào kết quả học tập của các em mà cần nhìn vào cả chất lượng của learning process – quá trình học tập, và learning experience – trải nghiệm học tập của các em để đánh giá được chất lượng các em đang học như thế nào. 

Ví dụ: Ở Phần Lan, việc đánh giá kết quả học tập được giáo viên thực hiện cùng với học sinh, nhằm giúp học sinh xây dựng kỹ năng tự phản tư, tự đánh giá bản thân, và đặt mục tiêu cho việc học của mình. Từ đó, không chỉ thúc đẩy kết quả học tập mà còn giúp các em phát triển các kỹ năng học tập suốt đời và học được cách học. 

Trong bối cảnh đó, Ba Mẹ và Thầy Cô cần nhận ra sự khác biệt của các em, biết rằng mỗi em lại có nền tảng kiến thức và kỹ năng khác nhau, cũng như có thái độ và giá trị sống khác nhau, và do đó, sẽ học khác nhau. Từ đó, giáo dục sẽ cần linh hoạt và được cá nhân hóa để đảm bảo phát triển tài năng cá nhân của mỗi em và giúp các em lấp đầy tiềm năng của mình. 

Ba Mẹ, Thầy Cô có thể giúp học sinh rèn luyện Student Agency – Học sinh làm chủ trong mọi ngữ cảnh của cuộc sống: 

  • Moral Agency – làm chủ về đạo đức cá nhân: học sinh cần đưa ra các quyết định trong đó cân nhắc đến quyền lợi và nhu cầu của người khác, 
  • Social Agency – làm chủ về xã hội: học sinh hiểu các quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với xã hội mà mình đang sống. Đến trường có thể được xem là một bước rèn luyện lớn khi học sinh phải tham gia vào một cộng đồng mới, mà người lạ là người cầm quyền, và phải xây dựng được quan hệ với những người bên ngoài gia đình của mình,
  • Economic Agency – làm chủ về kinh tế: học sinh có thể xác định và nắm lấy các cơ hội để tạo ra giá trị kinh tế cho bản thân, cho gia đình, địa phương và xã hội,
  • Creative Agency – làm chủ về sáng tạo: học sinh sử dụng trí tưởng tượng và năng lực của mình để sáng tạo ra được các giá trị mới cho thế giới dù là với mục đích nghệ thuật, mục đích thực dụng, hay mục đích khoa học. 

II. CORE FOUNDATIONS – CÁC NỀN TẢNG CỐT LÕI:

Nền tảng cốt lõi là các điều kiện nền tảng và kỹ năng, kiến thức, thái độ và giá trị sống quan trọng cần có để tiếp nhận được các chương trình học. Các nền tảng cốt lõi này sẽ cung cấp nền móng để phát triển Student Agency – học sinh làm chủ và Transformative Competencies – các năng lực chuyển hóa. 

Các nền tảng cốt lõi trong La bàn bao gồm:

  1. Cognitive Foundation – nền tảng nhận thức, bao gồm Literacy – năng lực giao tiếp và Numeracy – Năng lực tính toán,
  2. Health Foundation – nền tảng sức khỏe, bao gồm Physical Health – sức khỏe vật lý, Mental Health – sức khỏe tâm lý và Well-being – hạnh phúc cá nhân, 
  3. Social & Emotional Foundation – nền tảng xã hội và cảm xúc, bao gồm Moral – đạo đức cá nhân và Ethics – đạo đức xã hội, và Digital Literacy – hiểu biết số và Data Literacy – hiểu biết số liệu. 
  4. Ngoài ra, còn có một số nền tảng cốt lõi khác được thêm vào tùy hoàn cảnh cụ thể: Financial Literacy – hiểu biết tài chính, Global Competency – năng lực quốc tế, và Media Literacy – hiểu biết truyền thông số.

III. KNOWLEDGE – KIẾN THỨC 

Kiến thức bao gồm các sự thật, khái niệm, thông tin và lý thuyết về các vấn đề cụ thể của Thế giới. Kiến thức bao gồm khái niệm lý thuyết và thông tin, cũng như hiểu biết thực tế sau khi đã trải nghiệm với một số nhiệm vụ cụ thể. 

Có 4 loại kiến thức trong La bàn:

  1. Disciplinary Knowledge – Kiến thức chuyên ngành: bao gồm các khái niệm và nội dung chi tiết theo chuyên ngành, ví dụ như kiến thức học từ môn toán hay vật lý. Kiến thức chuyên ngành là nền tảng cơ bản, cung cấp cấu trúc kiến thức và các khái niệm cơ bản để hiểu, mà từ đó các loại kiến thức khác có thể được học và phát triển.
  2. Interdisciplinary Knowledge –  Kiến thức liên ngành: là kiến thức liên kết các khái niệm và nội dung của một ngành/bộ môn với các khái niệm và nội dung của các ngành/bộ môn khác. Kiến thức liên ngành giúp học sinh chuyển hóa kiến thức từ bối cảnh này sang bối cảnh khác và đang ngày càng trở nên quan trọng hơn trong việc hiểu và giải quyết các vấn đề phức tạp, đòi hỏi tìm ra các giải pháp sáng tạo khác nhau thông qua tư duy trên nhiều ngành khác nhau. 
  3. Epistemic Knowledge – Kiến thức chuyên gia/học giả: là việc hiểu cách tư duy và cách làm việc của một chuyên gia trong ngành, hay các dạng và các công dụng khác nhau mà kiến thức chuyên ngành được sử dụng trong thực tế. Kiến thức này giúp học sinh mở rộng kiến thức chuyên ngành của mình, tìm thấy mục đích của kiến thức, hiểu các cách áp dụng của kiến thức, và có khả năng áp dụng vào giải quyết các vấn đề.
  4. Procedural Knowledge – Kiến thức quy trình: là hiểu một việc được thực hiện như thế nào hay chuỗi các bước và các hành động được thực hiện để đạt được một mục đích. Các kiến thức quy trình về framework – khung tư duy như system thinking – tư duy hệ thống, architectural thinking – tư duy cấu trúc và design thinking – tư duy thiết kế có thể được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh và tình huống khác nhau và đặc biệt hữu dụng để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề phức tạp của tương lai.

Ví dụ: Tư duy thiết kế quan tâm đến các phương pháp được áp dụng để giải quyết vấn đề và cung cấp một quy trình, một bộ các kỹ năng và phương pháp tư duy giúp con người giải quyết vấn đề thông qua các giải pháp mới, chưa có tiền lệ. Mục tiêu của dạy tư duy thiết kế không phải là để dạy từng bước trong quy trình, mà cung cấp học sinh các trải nghiệm về giải quyết vấn đề qua hành động thực tế, như: phát triển sự thấu cảm, hợp tác làm việc nhóm, tập trung vào giải quyết vấn đề hiệu quả, và hiểu rằng thất bại và bền bỉ, liên tục thử lại sau thất bại là một phần tất yếu để đạt được thành công.

IV. SKILLS – KỸ NĂNG

Kỹ năng là khả năng áp dụng các quy trình và sử dụng kiến thức học được vào thực hiện để đạt được các mục tiêu cụ thể. Quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển vượt bậc của công nghệ đang ngày càng thay đổi nhu cầu của thị trường việc làm về các kỹ năng cần có của con người. Để cạnh tranh được với máy móc, con người cần dựa vào các kỹ năng đặc biệt, chỉ con người mới có để có thể tồn tại và thành công trong tương lai. 

Có 3 loại kỹ năng trong La bàn:

1. Cognitive and Metacognitive Skills – kỹ năng nhận thức và siêu nhận thức:

Cognitive Skills – kỹ năng nhận thức bao gồm tư duy về ngôn ngữ, phi ngôn ngữ và khả năng tư duy bậc cao. Trong đó, creative thinking – tư duy sáng tạo hay “khả năng nghĩ ra các ý tưởng thông minh và chưa có tiền lệ về một vấn đề, và phát triển được các cách giải quyết vấn đề sáng tạo” và critical thinking – rèn luyện tư duy phản biện, bao gồm khả năng suy luận quy nạp và suy diễn, và đưa ra phân tích, suy luận và đánh giá chính xác, là những kỹ năng “rất người” mà học sinh cần phát triển để có thể thành công. 

Metacognitive Skills – kỹ năng siêu nhận thức liên quan đến kỹ năng Thinking about Thinking – tư duy được cách tư duy Self-regulation – tự điều chỉnh hành vi, trong đó học sinh sẽ nhận thức được quá trình học và tư duy của mình để giúp tìm ra cách học phù hợp trong các hoàn cảnh khác nhau. Từ đó học sinh sẽ học được kỹ năng Learning to Learn – học được cách học, và có khả năng nhận ra kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị sống của bản thân – đây là năng lực cốt lõi phục vụ cho mục tiêu học tập suốt đời để tồn tại trong tương lai bất định.

2. Social & Emotional Skills – kỹ năng xã hội và cảm xúc: là khả năng nhận thức, xử lý, và biểu hiện các dòng suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của cá nhân và của người khác một cách cân bằng. Kỹ năng này giúp học sinh nhận thức, làm chủ và phát triển bản thân, xây dựng được các mối quan hệ ở nhà, trường học và trong cộng đồng, cũng như nhận thức và thực hiện được các trách nhiệm công dân của mình. 

Kỹ năng xã hội và cảm xúc, bao gồm empathy – kỹ năng thấu cảm, awareness – tự nhận thức, respect others – tôn trọng người khác và ability to communicate – khả năng giao tiếp càng ngày càng quan trọng khi môi trường lớp học và công sở ngày càng trở nên đa dạng về sắc tộc, văn hóa và ngôn ngữ. Kết quả học tập ở trường cũng phụ thuộc một số kỹ năng xã hội và cảm xúc của học sinh như: perseverance – tính kiên trì, self-efficacy – niềm tin vào năng lực bản thân, responsibility – trách nhiệm, curiosity – tính tò mò, và emotional stability – sự ổn định về cảm xúc.

3. Practical & Physical Skills – kỹ năng thực hành và vật lý: Practical Skills – kỹ năng thực hành là khả năng vận dụng vật liệu, công cụ, thiết bị, vật dụng để đạt được các kết quả mong muốn. Physical Skills – kỹ năng vật lý là khả năng vận hành, sử dụng công cụ và điều khiển các tính năng vật lý, bao gồm:

  • Manual Skills – kỹ năng tay chân: như khả năng sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin và máy móc mới, chơi nhạc cụ, làm thủ công, chơi thể thao, v.v.
  • Life Skills – kỹ năng sống: như khả năng tự mặc quần áo, chuẩn bị thức ăn và nước uống, vệ sinh cá nhân, v.v., và 
  • Ability to mobilise one’s capacities – có thể vận dụng các khả năng của bản thân: như sức mạnh, độ linh hoạt của cơ bắp, khả năng chịu đựng, v.v. 

Ngoài ra các kỹ năng thực hành và vật lý còn liên quan đến các arts – kỹ năng nghệ thuật. Cho đến ngày nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra bất cứ hoạt động nào có thể phát triển khả năng nhận thức của trẻ em được rộng và sâu như giáo dục âm nhạc và nghệ thuật. Tham gia vào các hoạt động nghệ thuật còn giúp học sinh phát triển empathetic intelligence – trí tuệ thấu cảm, từ đó phát triển các khả năng tương tác, gắn kết và kiên định về mặt cảm xúc.

V. ATTITUDES & VALUES – THÁI ĐỘ VÀ GIÁ TRỊ SỐNG

Thái độ và giá trị sống là các principles – nguyên tắc beliefs – niềm tin ảnh hưởng đến việc đưa ra các lựa chọn, đánh giá, hành vi và hành động của một người hướng đến well-being – sự phát triển hạnh phúc của một cá nhân, của xã hội và của môi trường sống.

Values – Giá trị là các nguyên tắc dẫn dắt quy định những điều mà một người xem là quan trọng khi đưa ra các quyết định trong cuộc sống. Những giá trị này quyết định thứ tự ưu tiên khi con người đưa ra đánh giá, và khi đi tìm các cách mới để hoàn thiện.

Attitudes – Thái độ được quy định bởi các giá trị và niềm tin của một người, và có ảnh hưởng đến hành vi của người đó. Thái độ phản ánh cách một người phản ứng tích cực hay tiêu cực về một sự vật, sự việc hay con người, và có thể thay đổi dựa trên các tình huống và hoàn cảnh nhất định.

Có 4 giá trị trong La bàn:

  1. Personal Values – giá trị cá nhân liên quan mỗi con người như một cá nhân độc lập, và cách người đó xác định các mục tiêu và muốn dẫn dắt một cuộc sống có ý nghĩa như thế nào.
  2. Social Values – giá trị cộng đồng liên quan đến các nguyên tắc và niềm tin ảnh hưởng đến chất lượng của các mối quan hệ cá nhân. Giá trị xã hội bao gồm cách một người hành xử với người khác và cách quản lý các tương tác trong cộng đồng, bao gồm cả các xung đột. Giá trị xã hội còn phản ánh các nhận định về social well-being – sự phát triển hạnh phúc của cộng đồng, ví dụ như: điều gì giúp cho một cộng đồng và một xã hội làm việc hiệu quả với nhau.
  3. Societal Values – giá trị xã hội xác định thứ tự ưu tiên, các nguyên tắc và các hướng dẫn chung định hình nên trật tự và đời sống một nền văn hóa hay một xã hội cụ thể. Các giá trị này tiếp tục tiếp diễn khi được đưa vào các cấu trúc và thể chế xã hội, các văn bản và các thực hành dân chủ hàng ngày, và khi được công chúng công nhận.
  4. Human Values – giá trị con người có nhiều điểm chung với giá trị xã hội. Tuy nhiên, đây là các giá trị chung có tính xuyên suốt qua mọi quốc gia và nền văn hóa, và được dùng để xác định humanity well-being – sự phát triển hạnh phúc của nhân loại. Giá trị con người thường được thể hiện trong các thỏa thuận quốc tế, như Universal Declaration of Human Rights – tuyên ngôn thế giới về quyền lợi của con người và United Nations Sustainable Development Goals (SDGs) – các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. 

VI. TRANSFORMATIVE COMPETENCIES – CÁC NĂNG LỰC CHUYỂN HÓA

Để sẵn sàng đối mặt với sự bất định của tương lai, học sinh cần các kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị ở cấp độ cao hơn, để có thể liên tục thích nghi và hình thành các thái độ và giá trị mới, cũng như hành động có ý nghĩa và hiệu quả khi mục tiêu và tình huống bị thay đổi. 

La bàn đặt ra ba năng lực có tính chuyển hóa cao, là đặc trưng của con người, và có thể được sử dụng xuyên suốt các tình huống và ngữ cảnh khác nhau trong tương lai:

  1. Kiến tạo giá trị mới: học sinh cần đổi mới sáng tạo được để tạo hình một cuộc sống tốt đẹp hơn, ví dụ như: tạo ra các công việc, nghề nghiệp và dịch vụ mới, phát triển kiến thức, thông tin, ý tưởng, kỹ thuật, chiến lược và  giải pháp mới – áp dụng vào giải quyết vấn đề cũ và mới.

    Khi học sinh tạo ra giá trị mới, các em cần đặt câu hỏi phản biện với các câu giải pháp đang có, hợp tác với người khác và cùng sáng tạo để tìm ra các giải pháp tốt hơn. Đây là sự gắn kết giữa mục đích rèn luyện tư duy phản biện và tư duy sáng tạo.
     
  2. Giải quyết căng thẳng và mâu thuẫn: học sinh cân nhắc được các mối quan hệ và kết nối đa chiều giữa các ý tưởng, lôgic, quan điểm, và cân nhắc được các kết quả trong cả ngắn hạn và dài hạn. Từ đó, hiểu được sâu sắc các quan điểm trái chiều, phát triển lập luận để hỗ trợ quan điểm của mình, và tìm ra giải pháp hiệu quả cho các mâu thuẫn và xung đột.

    Trong thế giới mà mọi thứ đều gắn kết và phụ thuộc vào nhau, học sinh cần có khả năng cân bằng các mâu thuẫn, hoặc các quan điểm và nhu cầu tưởng như trái ngược nhau, và trở nên thích nghi với sự phức tạp và không rõ ràng. Điều này còn giúp học sinh phát triển được khả năng thấu cảm và tôn trọng người khác.
  3. Chịu trách nhiệm: học sinh có khả năng phản tư và đánh giá hành động của bản thân mình dựa trên kết quả thực tế, và cân nhắc được các mục tiêu cá nhân, đạo đức và xã hội gắn với hành động của mình. Bằng việc tự chịu trách nhiệm, phân tích và đánh giá các phương án và kết quả khác nhau, học sinh trở nên trưởng thành hơn về mặt nhận thức và đạo đức.

VII. CYCLE OF ANTICIPATION, ACTION, REFLECTION – VÒNG LẶP NHẬN ĐỊNH, HÀNH ĐỘNG, PHẢN TƯ

Vòng lặp Anticipation, Action, Reflection (AAR) – nhận định, hành động, phản tư là một quá trình học mà ở đó học sinh liên tục hoàn thiện khả năng tư duy của mình, và hướng đến hành động có mục đích và có trách nhiệm. Vòng lặp AAR cần trở thành một thói quen cá nhân, và một phần không thể thiếu của Lifelong Learning – kỹ năng học tập suốt đời. 

Vòng lặp AAR trong La bàn bao gồm:

  1. Anticipation – giai đoạn nhận định: Học sinh sử dụng năng lực của mình để hiểu các vấn đề, hiểu dự định của bản thân và dự định của người khác, quản lý các căng thẳng và xung đột, mở rộng góc nhìn cá nhân và của người khác, và cân nhắc hệ quả ngắn hạn và dài hạn của việc hành động hay không hành động. Thông qua nhận định, học sinh xác định mục tiêu và mục đích cho hành động của mình. 
  2. Action – giai đoạn hành động: Đây là giai đoạn học sinh hành động hướng đến các mục tiêu cụ thể. Hành động là cầu nối giữa những gì mà học sinh đã biết và những gì học sinh muốn tạo ra. Mỗi hành động đều có tính trung lập, tuy nhiên nó có thể tạo ra kết quả từ rất tích cực cho đến rất tiêu cực cho cá nhân, cho xã hội hay cho cả hành tinh. Do đó, học sinh cần hiểu tầm quan trọng của việc hành động có mục đích và có trách nhiệm, và cần có nhận định trước khi hành động và có phản tư sau khi hành động.
  3. Reflection – giai đoạn phản tư: Trong giai đoạn này, học sinh hoàn thiện tư duy, đào sâu vào các hiểu biết của mình, và điều chỉnh các hành động trong tương lai với các bài học thực tế để thích nghi được với các hoàn cảnh đang liên tục thay đổi. Phản tư đòi hỏi học sinh xem trọng sự phát triển cá nhân và trí tuệ của bản thân và của người khác, và hỗ trợ học sinh nhận thức về bản thân mình, về người khác và về xã hội lớn hơn. 

Ba giai đoạn của vòng lặp AAR hỗ trợ, hoàn thiện và bổ sung cho nhau, và giúp phát triển Student Agency – Học sinh làm chủ và Transformative Agency – các năng lực chuyển hóa.

Tổng hợp và dịch:
Lê Viết Đạt

NGUỒN TÀI LIỆU:

Để đọc tài liệu chính thức về OECD Future of Education & Skills 2030 và OECD Learning Compass và các nghiên cứu giáo dục khác, Ba Mẹ và Thầy Cô có thể tham khảo tại đây:

– OECD Future of Education & Skills 2030 | OECD
http://www.oecd.org/education/2030-project/

– OECD Learning Compass 2030 | OECD: http://www.oecd.org/education/2030-project/teaching-and-learning/learning/learning-compass-2030/OECD_Learning_Compass_2030_Concept_Note_Series.pdf

– OECD The New “Normal” in Education: 

THÔNG TIN THAM KHẢO: 

(1) Thoughts on the Future of Human Knowledge and Machine Intelligence | The London School of Economics and Political Science:

(2) Half Life: The Decay of Knowledge and What to Do About It | Farnam Street:

(3) The Future of Jobs and Skills | World Economic Forum:

(4) OECD Future of Education & Skills 2030 | OECD:

http://www.oecd.org/education/2030-project

(5) Finland’s National Core Curriculum 2014 | Finnish National Agency for Education:
https://www.ellibs.com/book/9789521362590/national-core-curriculum-for-basic-education-2014