Những tính cách của mẹ tác động tích cực đến sự phát triển của con cái

Một ngày cuối tuần nắng đẹp, tôi đang cùng đứa con nhỏ vắt cam. Hai mẹ con vừa làm vừa ríu rít trò chuyện. Khi nhìn vào ly cam sóng sánh ngọt ngào vừa làm ra, mắt con ánh lên niềm tự hào và hạnh phúc. Không nói không rằng, con lấy chiếc ghế nhỏ rồi trèo lên, vặn vòi nước uống cho chảy vào ly cam đang cầm đó. 

Tôi vội vàng nói “Đừng con, cam đủ ngọt và ngon rồi, không thêm nước vô nữa nha”.

Con vẫn tiếp tục đứng yên hứng nước. Nước cam dần loãng ra và sắp đầy ly.

Tôi nóng giận quát to “Dừng lại! Hứng nước chi nhiều vậy? Nước cam hết ngon rồi. Coi chừng đổ ra ngoài dơ nhà nữa.”

Con rơm rớm nước mắt nhìn tội sợ sệt, rồi mếu máo khóc.

Trước khi vỡ oà lên, con nói với tôi trong nước mắt “Con hứng thêm nhiều để ba uống chung với mình mà”…

Lời con nói như vết dao, cứa thêm 1 vết sẹo vào lòng người mẹ, tạo thành 1 bài học không thể nào quên trong tôi.

Một phút không kiềm chế cơn giận đã làm hỏng buổi sáng cuối tuần vui vẻ của hai mẹ con. Một phút không hiểu con đã làm tổn thương đến sự hiếu thảo của con. 

Xin lỗi thì cũng là quá muộn. Hãy là những người mẹ tỉnh táo và thông thái, để không bao giờ phải cảm thấy hối lỗi với những tâm hồn thơ bé đáng yêu nhé!

Biết cởi bỏ áp lực công việc trước khi bước vào nhà

Mỗi ngày, trước khi bước vào nhà, người mẹ phải cởi bỏ được hết những áp lực công việc ở bên ngoài cánh cửa và phải tự nhắc nhở mình quên đi những chuyện không vui ở cơ quan để bắt đầu vai trò của một người mẹ, thực sự dành nhiều thời gian cho con.

Bản thân đứa trẻ cũng muốn mẹ luôn vui vẻ với chúng, không gắt gỏng hay mắng vô cớ.

Chia sẻ những niềm vui nho nhỏ với con

Khi con hứng thú kể với mẹ hôm nay được thưởng ở trường hay được thắng bạn trong một trò chơi, người mẹ đừng nên thể hiện sự thờ ơ hoặc xem nhẹ lời con nói, cần phải khen ngợi trẻ một cách hứng thú giống như trẻ đối xử với mẹ.

Có thể nói những câu như: “Con mẹ ngoan/giỏi quá”, “Chúc mừng con yêu” hay “Con có thể cho mẹ xem thành tích được không?” v.v…, hãy chia sẻ niềm vui với con, bởi vì vinh dự nho nhỏ này là vô cùng quan trọng đối với những đứa trẻ.

Trở thành người mẹ “không biết”

Khi trẻ làm bài tập và gặp phải bài khó, thay vì ngay lập tức nổi nóng, trách mắng trẻ: “Bài thì dễ như thế này mà cũng không biết ah!” hay làm giúp thay chúng, tốt nhất mẹ nên đọc qua và nói: “Mẹ cũng chưa biết phải làm thế nào. Chúng ta cùng nhau nghĩ cách nhé”. Sau vài lần như vậy, mẹ sẽ tập được cho trẻ cách tự giải quyết vấn đề. 

Mẹ có thể đồng hành cùng trẻ tìm ra câu trả lời nhưng tuyệt đối không nói ra đáp án ngay vì như vậy sẽ làm thui chột khả năng tự suy nghĩ của trẻ. Khi tự làm được một điều gì đó, trẻ cũng cảm thấy có thành tựu và sau nhiều lần như vậy sẽ xây dựng được thói quen không cần dựa vào ai khác.

Trở thành bà mẹ “nhất định phải bình tĩnh trong mọi tình huống”

“Bình tĩnh, bình tĩnh, bình tĩnh” ngay cả khi trẻ làm điều gì đó không tốt. Người mẹ nhất định phải biết kiểm soát tốt tâm trạng của mình, không được nổi nóng vì chắc chắn điều đó không khiến trẻ rút ra được bài học gì.

Ví dụ khi con bị điểm kém, hãy bình tĩnh bảo con mang bài kiểm tra ra và cùng con phân tích lỗi sai. Mẹ có thể nói: “Nếu con đã hiểu thì lần sau không được làm sai nữa nhé”. Trong trường hợp mẹ không kiềm chế được cảm xúc, hãy vào nhà vệ sinh hít thở thật sâu trước khi bước ra nói chuyện với con.

“Mẹ cũng từng như thế”

Khi trẻ thể hiện sự nhút nhát trước thi cử hoặc làm những việc khá quan trọng, người mẹ không nên khiển trách con nhút nhát, hay thể hiện mình còn căng thẳng hơn con, như vậy sẽ làm tăng áp lực tâm lý của trẻ, dẫn đến việc trẻ không thể phát huy hết khả năng được.

Tốt nhất là mẹ hãy thật thoải mái nói với con, dù con làm tốt hay không, lúc cha mẹ bằng tuổi con cũng không được như con đâu, con đừng lo lắng. Lúc này trong lòng trẻ sẽ có quyết tâm và tự tin hơn.

Giả sử ngày mai con của bạn phải tham gia một hoạt động quan trọng, nếu bạn quan sát thấy trẻ đang khá lo lắng căng thẳng, tốt nhất là tối hôm đó hãy ngủ bên cạnh con. Trước khi ngủ, hãy kể một vài câu chuyện hoặc cùng con đọc quyển sách mà con thích nhằm làm dịu áp lực trong lòng con.

Hướng dẫn con đối diện với thất bại

Khi con gặp phải thất bại hoặc trắc trở, người mẹ phải thể hiện sự kiên cường và không từ bỏ, bình tĩnh nói với con rằng thất bại chỉ là nhất thời, không phải là cả đời. Cũng đừng nên thể hiện không còn chút hy vọng nào.

Điều tệ nhất đó là dùng những lời tàn nhẫn mỉa mai, quở trách con, khiến trẻ rơi vào tình trạng tệ hại, thậm chí tính hết tất cả “nợ mới nợ cũ” với con. Lúc này, dưới sự “giáo dục” của mẹ, trẻ sẽ vô cùng tự ti, thậm chí mất hết hy vọng vào tương lai tốt đẹp của mình.

Người mẹ không bao giờ nói “Con phải”

Là một phụ huynh, nhất định mẹ không được áp đặt quan điểm của mình lên trẻ khi chưa rõ những điều chúng muốn bằng những câu “Con phải…”

Việc áp đặt quan điểm của mình lên trẻ có thể khiến chúng khi lớn lên sẽ thiếu nhận định và quan điểm cá nhân. Mối quan hệ giữa phụ huynh và con cái phải được xây dựng dựa trên mối quan hệ bình đẳng, hiểu và tôn trọng lẫn nhau.

“Lời nói ngắn gọn + im lặng” sẽ tốt hơn không ngừng lải nhải

Trước mặt con, người mẹ phải kiểm soát lời nói của mình. Không nên cứ lải nhải mãi, trên thực tế thì sự im lặng của người mẹ là điều khiến trẻ sợ nhất. Vì vậy, thay vì liên tục lải nhải không ngừng với trẻ thì hãy dùng lời nói ngắn gọn cho trẻ biết trẻ đã sai ở đâu hoặc nên chú ý những gì. Sau đó sự im lặng của mẹ chắc chắn sẽ có tác dụng hơn việc tiếp tục nói.

Ghi nhớ những điều trên, nhất định các bà mẹ sẽ khiến những đứa trẻ trở thành người độc lập, bản lĩnh trong tương lai.

Phương Châu (Sưu tầm và tổng hợp)

THAM KHẢO

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/5-tinh-cach-cua-nguoi-me-de-tao-ra-nhung-dua-con-xuat-sac-584615.html
http://beba.vn/nguoi-me-quyet-dinh-con-cai-thanh-tai/