Cuộc sống hằng ngày là một chuỗi các quyết định. Nhưng làm thế nào để đưa ra được quyết định phù hợp? Cách nào phát triển khả năng ra quyết định đúng cho bản thân trong thời đại bận rộn ngày nay?
Kỹ năng tư duy phản biện là kỹ năng giúp chúng ta nhận định, phân tích một sự việc và đưa ra quyết định phù hợp nhất để giải quyết sự việc đó. Là một trong các kỹ năng quan trọng nhất của thế kỷ 21, đây là kỹ năng không thể thiếu để đảm bảo sự phát triển của bản thân cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây cũng là lý do vì sao các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới rất chú trọng việc rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh. Vậy chúng ta có thể rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh/ con của mình như thế nào?
Có rất nhiều phương pháp rèn luyện khác nhau. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung vào việc giới thiệu các trò chơi theo từng độ tuổi của trẻ. Mục đích nhằm rèn luyện tư duy phản biện phù hợp theo độ tuổi và tăng sự thích thú học tập nơi trẻ. Đây cũng là dịp để ba mẹ/ thầy cô chơi cùng bạn nhỏ của mình.
Dưới 7 tuổi : Con muốn thử cái này không?
Đặc điểm của trẻ :
- Khám phá mọi thứ thông qua 5 giác quan và bắt chước theo
- Óc tưởng tượng phát triển mạnh mẽ
- Chỉ tập trung vào thế giới trực tiếp xoay quanh mình, chưa có hình dung về thế giới bên ngoài
Mục tiêu của việc rèn luyện tư duy phản biện ở giai đoạn này:
- Trẻ có trải nghiệm trực tiếp đầy đủ và đa dạng về thế giới xung quanh
- Qua đó, trẻ biết được mình muốn hay thích gì và giải thích được tại sao.
Chơi gì?
Tất cả mọi trò chơi vận dụng 5 giác quan của trẻ :
- Quan sát và tập mô tả hoặc vẽ lại, càng chi tiết càng tốt
- Đọc sách
- Kể chuyện
- Vẽ tranh
- Đoán đồ vật bị giấu
- Nếm, ngửi đồ ăn, đồ vật xung quanh
- Đoán tiếng động
- Và các trò chơi thể thao, vận động khác,…
7 – 11 tuổi : Con nghĩ chuyện gì đang xảy ra?
Đặc điểm của trẻ :
- Bắt đầu có khả năng tư duy logic cơ bản
- Có khả năng sắp xếp, phân loại
- Bắt đầu hiểu về thế giới bên ngoài, biết rằng có sự khác nhau giữa mình và người khác
Mục tiêu của việc rèn luyện tư duy phản biện ở giai đoạn này :
- Trẻ có khả năng hiểu sâu hơn về cách hoạt động của sự vật, hiện tượng
- Trẻ có khả năng phân tích và đưa ra giải pháp cho những vấn đề đơn giản
- Trẻ hiểu và chấp nhận việc có các suy nghĩ, cảm nhận khác nhau trong cuộc sống
Chơi gì?
- Các trò chơi đoán câu chuyện hoặc kết thúc của câu chuyện. Ví dụ: nhìn vào bức tranh, bức hình, bé có thể đoán chuyện gì đang xảy ra, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, có các kịch bản nào?
- Trò chơi phân loại, so sánh giữa các đồ vật. Ví dụ: đâu là điểm giống và khác giữa con chó và con mèo, ba và mẹ, con trai và con gái,…?
- Chơi nhập vai: đóng vai ba mẹ (trò chơi gia đình), đóng vai người bán hàng (chơi đồ hàng), đóng vai cảnh sát và kẻ cắp,…
Từ 12 tuổi trở lên : Đâu là lựa chọn phù hợp nhất ?
Đặc điểm trẻ :
- Bắt đầu hiểu rõ các khái niệm trừu tượng (đạo đức, pháp luật,…)
- Có khả năng so sánh, khái quát hoá sự vật, hiện tượng
- Có khả năng thấu cảm và đồng cảm với cảm xúc, suy nghĩ của người khác.
Mục tiêu của việc rèn luyện tư duy phản biện ở giai đoạn này :
- Nhìn ra được bản chất của sự vật, hiện tượng
- Có khả năng đưa ra giải pháp cho những vấn đề phức tạp hơn
- Đồng cảm với cảm xúc, suy nghĩ của người khác, hiểu tại sao họ có cám xúc, suy nghĩ như vậy
Hoạt động phù hợp?
- Nhập vai: Xem xét một tình huống phức tạp (thực tế hay phim ảnh), giả định nếu mình là người trong cuộc, mình sẽ làm gì? Người trong cuộc thì làm gì? So sánh và lý giải sự khác biệt.
- Tìm hiểu và so sánh các sự vật, hiện tượng trên nhiều phương diện, từ đó tìm ra bản chất của sự vật, hiện tượng. Ví dụ: con chim bay được, máy bay cũng bay được. Tuy nhiên cách con chim bay và máy bay bay có cùng nguyên lý không? Con chim bay được bằng cách nào? Máy bay bay được trên bầu trời nhờ nguyên lý gì?
- Tưởng tượng các tình huống giả định: Ví dụ: Nếu lạc vào hoang đảo và được mang theo ba đồ vật, đó là đồ vật nào? Tại sao?
- Tham gia các hoạt động mang tính chất xây dựng, phát triển một giải pháp: thảo luận xoay quanh các ý tưởng, thử nghiệm, đánh giá,… để tìm ra ý tưởng phú hợp nhất
DÀNH CHO BA MẸ / THẦY CÔ :
Hãy luôn cổ vũ, khuyến khích con/ học sinh của mình khám phá mọi thứ xung quanh bằng cách đặt các câu hỏi mở và cho trẻ thời gian nói lên các cảm nhận, lập luận của mình:
- Con thấy/ngửi/nếm/sờ/nghe cái gì?
- Con cảm giác như thế nào?
- Điều gì khiến con có cảm giác đó?
- Con nghĩ chuyện gì đã xảy ra / sẽ xảy ra tiếp theo?
- Nếu con nhìn sự việc từ khía cạnh này thì sao?
- Nếu là con, con sẽ làm gì?
- ….
Mọi ý tưởng, giải pháp ban đầu, dù là của người lớn hay trẻ nhỏ, đều rất sơ khai và cần vun đắp. Nên ba mẹ/ thầy cô hãy bình tĩnh, kiên nhẫn và cởi mở với những điều trẻ chia sẻ nhé !
Nguồn :
1-Video “Sự phát triển nhận thức theo lý thuyết của Piaget” : https://www.youtube.com/watch?v=IhcgYgx7aAA&feature=emb_rel_end
2-Video các trò chơi, bài tập rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh:
3-Các bài viết về trò chơi rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh:
https://www.brighthorizons.com/family-resources/developing-critical-thinking-skills-in-children
https://www.canr.msu.edu/news/the_importance_of_critical_thinking_for_young_children
4-Khoá học miễn phí “Teaching Critical thinking through Art with The National Gallery of Art” (cần đăng ký) :
https://courses.edx.org/courses/course-v1:SmithsonianX+NGA1.1X+1T2020/course/