Khả năng thấu cảm là khả năng tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu được càm xúc và suy nghĩ của họ, qua đó có thể giúp đỡ họ phù hợp nhất.
Người có khả năng thấu cảm cao sẽ dễ dàng thấu hiểu người khác, kết nối và tạo ảnh hưởng, đạt được nhiều sự ủng hộ và giúp đỡ từ những người xung quanh trong công việc cũng như trong cuộc sống. Đây là một trong những kỹ năng rất quan trọng trong thời đại ngày nay. Vậy, để giúp ba mẹ hay thầy cô rèn luyện kỹ năng này cho trẻ từ lúc nhỏ, chúng tôi xin giới thiệu phương pháp rèn luyện theo từng giai đoạn:
TRẺ CẢM THẤY GÌ?
Để hiểu được đúng cảm xúc của người khác và giúp đỡ họ, đầu tiên trẻ cần hiểu được đúng cảm xúc của mình. Để được như vậy, ba mẹ hay thầy cô hãy luôn trò chuyện với trẻ, lắng nghe không phán xét, tạo cho trẻ cảm giác an tâm, dễ dàng chia sẻ, đặc biệt là chia sẻ những cảm xúc khó chịu.
Những câu hỏi ba mẹ có thể khơi gợi :
- Hôm nay ở lớp có gì khiến con vui?
- Có điều gì con không thích ở lớp hôm nay?
- Con thích giờ ăn trưa của mình không?
- Kể cho ba/mẹ hai điều con thích nhất/ không thích nhất hôm nay?
- Con thấy khó chịu nhất khi phải làm gì?
- Khi con khó chịu/vui, con có cảm giác như thế nào?
Mục đích của giai đoạn này :
- Giúp trẻ nhận biết cảm xúc của mình thông qua biểu hiện bên ngoài và cảm giác bên trong cơ thể
- Giúp trẻ hiểu những hoạt động nào khiến trẻ vui, buồn, tức giận, thích thú,…
CẢM XÚC CỦA MỖI NGƯỜI LÀ HOÀN TOÀN KHÁC NHAU
Sau khi trẻ đã hiểu được cảm xúc của mình và các biểu hiện cảm xúc khác nhau, bé có thể tập quan sát biểu hiện của người khác, đoán cảm xúc của họ.
Những câu hỏi ba mẹ có thể khơi gợi :
- Hôm nay trong lớp con có bạn nào khóc không? Tại sao bạn khóc?
- Có bạn nào trong lớp gặp rắc rối không? Đó là gì?
- Hôm nay con thấy thầy/ cô vui hay buồn? Tại sao con biết?
- Có bạn nào làm trò trong lớp hôm nay? Các bạn khác phản ứng như thế nào?
- Nếu tặng con búp bê này cho sinh nhật bạn, con nghĩ bạn có thích hay không?
Mục đích của giai đoạn này :
- Hiểu được cảm xúc của người khác, lý do họ có cảm xúc đó.
- Tập cho trẻ thói quen suy nghĩ trước khi làm một việc gì đó, tránh gây tổn thương người khác. Thầy cô hay ba mẹ khi đặt các câu hỏi này cũng đồng thời giúp rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh và con em của mình sau này.
TRẺ ĐÃ HÀNH XỬ PHÙ HỢP?
Cuối cùng, khi trẻ đã cảm nhận được cảm xúc của người khác, ba mẹ hay thầy cô có thể động viên, khuyến khích khi trẻ bày tỏ mong muốn giúp đỡ.
Những câu hỏi ba mẹ có thể khơi gợi :
- Hôm nay con có giúp đỡ ai không? Sau khi giúp đỡ, họ nói gì với con?
- Con làm vỡ chén làm ba/mẹ không vui. Con nghĩ có thể làm gì để ba mẹ cảm thấy vui hơn?
- Hôm nay có điều gì con làm khiến con tự hào?
- Có điều gì con cảm thấy muốn làm tốt hơn?
- Nếu cho con được làm lại, con sẽ làm như thế nào?
Mục đích của giai đoạn này :
- Giúp trẻ xác định những hành xử phù hợp và chưa phù hợp trong từng hoàn cảnh cụ thể
- Nếu đó là hành xử chưa phù hợp, tạo cơ hội cho trẻ học từ sai lầm và sửa sai.
Cũng như bất kỳ kỹ năng nào khác, thấu cảm là một kỹ năng cần thực hành thường xuyên và liên tục để có thể trở thành một thói quen trong trẻ. Ngoài ra, do tâm sinh lý thay đổi thường xuyên nên trẻ sẽ có những giai đoạn hành xử chưa phù hợp. Ba mẹ và thầy cô hãy thật kiên nhẫn lắng nghe, làm bạn với trẻ, giúp trẻ rèn luyện tư duy phản biện, khả năng đánh giá bản thân cũng như làm chủ cuộc sống của chính mình trong tương lai.
Nguồn tham khảo :
1.Định nghĩa về Thấu cảm của Daniel Goleman :
http://www.danielgoleman.info/three-kinds-of-empathy-cognitive-emotional-compassionate/
https://www.skillsyouneed.com/ips/empathy.html
2.Các bài viết về cách xây dựng khả năng thấu cảm nơi trẻ :
http://onetimethrough.com/e-empathetic-10-ways-teach-empathy/
https://theconversation.com/three-strategies-to-promote-empathy-in-children-91967
3.50 Questions To Ask Your Kids Instead Of Asking “How Was Your Day” :
4.Sách “Nói sao cho trẻ chịu nghe & nghe sao cho trẻ chịu nói” – Adele Faber & Elaine Mazlish