Phát triển toàn diện
Trong những năm gần đây chúng ta chứng kiến vô số ngành nghề mới ra đời với những mô tả công việc hoàn toàn khác. Mọi thay đổi ngành nghề trong nền kinh tế sáng tạo đến từ việc xuất hiện và phát của các công nghệ với tốc độ nhanh và rộng. Tự thân mô tả công việc các ngành nghề truyền thống cũng thay đổi vì tác động của công nghệ.
Điều này đứng từ góc nhìn hướng nghiệp, có nghĩa là không có một tiêu chuẩn cố định cho một công việc cố định. Từ góc nhìn xây dựng chương trình đào tạo và môi trường giáo dục chúng ta không thể xây dựng một chương trình chỉ tập trung phát triển một nhóm kỹ năng hoặc một nhóm kiến thức riêng biệt để đạt được một mục tiêu nghề nghiệp cố định. Vì sự chuyển dịch của các ngành nghề nên sẽ không còn hiệu quả cho các chương trình phát triển một nhóm môn học và kỹ năng cụ thể. Đồng thời những công việc mang tính khuôn mẫu, có thể sao chép được đều có khả năng thay thế nên việc tìm kiếm và xây dựng yếu tố đặc trưng và riêng biệt là rất cần phải có để phát triển một con người có khả năng thích nghi trong tương lai.
Khi xem việc phát triển toàn diện là yếu tố sống còn, phát triển toàn diện bằng cách thoát khỏi tư duy học lệch, đi ra khỏi quỹ đạo học tủ và học tập trung vào một nhóm môn học hoặc kỹ năng. Phát triển toàn diện là học tập để hoàn thiện mỗi cá nhân, để tìm kiếm và khơi gợi các yếu tố đặc trưng và riêng biệt trong mỗi con người. Dù rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh vô cùng quan trọng nhưng không thể đặt bên ngoài yếu tố phát triển toàn diện.
Có nhiều góc nhìn khác nhau về việc phát triển toàn diện. Có thể hiểu nôm na theo cách người Việt vẫn nói là “văn võ song toàn” với ý nghĩa: rèn luyện tinh thần và cả thể chất. Dù đang nói về môi trường giáo dục chuẩn bị cho tương lai, nhưng chương trình để phát triển con người toàn diện đã từng tồn lại rất lâu trong lịch sử loài người. Chương trình giáo dục tiểu học của Hy Lạp cổ đại (năm 600 trước Công nguyên) dành cho trẻ em bắt đầu từ 6 tuổi của thành Athen đã gồm 2 phần chính: giáo dục trí tuệ, giáo dục thể chất. Ngoài việc học số học, đọc viết, âm nhạc, thơ ca, trẻ em dành nhiều thời gian để rèn luyện thể dục xây dựng nền tảng sức khỏe trong tương lai. Trong chương trình dành cho học sinh trung học, rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh được đưa vào thông qua các môn học như: kỹ thuật hùng biện song song với các môn học về thiên văn học, triết học, khoa học tự nhiên, hình học, khí tượng học. Trong lịch sử Phật giáo, chúng ta cũng thấy việc phát triển toàn diện trong các môn học mà các hoàng gia Ấn Độ xây dựng cho con cháu trong hoàng tộc. Chương trình học cũng gồm các môn trí tuệ: chiêm tinh học, kinh Vệ đà như môn học về khoa học, xã hội và các nguyên tắc ứng xử, nghệ thuật hùng biện. Các môn thể chất gồm: thuần dưỡng voi, bắn cung, bơi lội, đất vật, kiếm thuật, cưỡi ngựa. Tổng cộng 64 môn học kể cả âm nhạc và ca múa.
Có thể thấy phát triển toàn diện về thế chất và tinh thần thông qua các môn rèn luyện trí tuệ và cơ thể là mục tiêu của các nền giáo dục cổ đại tiến bộ. Chương trình giáo dục thay đổi theo mỗi giai đoạn khác nhau vì sự phát triển của kinh tế xã hội và định hướng phát triển của các quốc gia. Nhưng phải thừa nhận rằng phát triển toàn diện không phải là chủ đề quá xa lạ với lịch sử phát triển của con người.
Phát triển toàn diện nhìn theo một cách khác như nghiên cứu não bộ là phát triển các vùng tư duy khác nhau của cả hai bên bán cầu não bằng các hoạt động liên quan đến vùng tư duy đó (1) . Ví dụ như các môn khoa học đòi hỏi tư duy logic sẽ kích thích sự phát triển của khu vực não trái. Chú trọng rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh cũng tập trung vào các hoạt động kích thích vùng nào này. Hay hoạt động trong các môn hội hoạ và âm nhạc sẽ kích thích tư duy hình ảnh và màu sắc trong khu vực não phải. Dù mỗi người có thể có thế mạnh tư duy khác nhau nhưng đều cần các hoạt động để phát triển hai bên bán cầu não. Nghiên cứu (2) năm 2013 của đại học Utah đã quét não của hơn 1000 người từ 7 đến 29 tuổi và chia não thành 7000 khu vực khác nhau để xác định phía trái hay phải của não hoạt động nhiều hơn hoặc có kết nối nhiều hơn tới những hoạt động tư duy khác nhau. Nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy, bất kì hoạt động tư duy nào cũng đòi hỏi sự hoạt động của hai bán cầu não. Để “người tư duy não trái” tư duy logic tốt hơn thì không chỉ cần rèn luyện não trái mà cần cần cả hoạt động để phát triển các vùng tư duy não phải.
Phát triển toàn diện dưới góc nhìn năng lực tư duy liên ngành là phát triển khả năng tư duy trong học sinh giúp học sinh không chỉ nhớ và hiểu kiến thức trong một môn học, mà còn có khả năng tư duy ở mức độ cao hơn để áp dụng, phân tích, đánh giá và sáng tạo. Các hoạt động tư duy cao hơn xảy ra thường xuyên hơn nếu học sinh có sự liên hệ kiến thức giữa các môn học, liên hệ giữa lý thuyết và thực hành, liên hệ giữa các môn tư duy trừu tượng và logic, liên hệ giữa lớp học và đời sống hằng ngày. Để xây dựng năng lực tư duy mức độ cao cũng như sự liên hệ kể trên cần các dự án học tập đòi hỏi kiến thức tổng hợp và có liên hệ với thực tế như các dự án liên quan tới giải quyết vấn đề thực tế của con người như: thiết kế sản phẩm, thiết kế ứng dụng, dự án robot, các dự án kiến trúc, các dự án xây dựng sản phẩm phụ vụ cho con người…
Tóm lại để phát triển toàn diện cần xây dựng kế hoạch học tập đa dạng gồm thế chất tinh thần, các môn học và các hoạt động cùng phối hợp để phát triển con người toàn diện và xây dựng yếu tố đặc trưng của mỗi cá nhân. Chưa bàn tới khả năng quan trọng trong thế kỉ 21 là khả năng học tập suốt đời thông qua việc xây dựng khả năng học cách học và niềm vui học tập. Nếu chỉ xoay quanh mục tiêu xây dựng năng lực cạnh tranh trong môi trường lao động tương lai việc học cũng cần hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện vì không thể tập trung vào một môn hoặc một số kĩ năng đơn lẻ cho một ngành nghề cố định. Môi trường phát triển toàn diện là môi trường rèn luyện và học tập để người học có thể phát triển tất cả các vùng tư duy não bộ, dù thế mạnh tư duy một học sinh thế nào.
Chúng ta không xây dựng yếu tố đặc trưng của mỗi cá nhân nếu con em của chúng ta không có môi trường phát triển toàn diện. Nếu mục tiêu của con chúng ta không khác gì con hàng xóm thì một trong hai (thậm chí cả 2) sẽ mất cơ hội xây dựng yếu tố đặc trưng của riêng mình – yếu tố tăng tính cạnh tranh trong thị trường lao động tương lai. Hay điều đáng buồn là mất luôn niềm vui học tập và khả năng học tập suốt đời – khả năng sống còn trong nền kinh tế sáng tạo.
Tôi không có lời khuyên nào khác là mong các ba mẹ bình tĩnh trả lời câu hỏi cho chính mình để xây dựng một kế hoạch học tập tốt hơn cho con em chúng ta.
- Lịch học mỗi ngày của các em hướng đến sự phát triển toàn diện?
- Các được hỗ trợ để tìm kiếm và xây dựng yếu tố đặc trưng của riêng mình? Hay các đang xây dựng hình tượng mà ba mẹ và gia đình đặt ra?
Tôi tin thiên tài có trong mỗi đứa trẻ, hãy xây dựng môi trường học tập khích lệ học sinh tìm kiếm sự khác biệt của mình và xây dựng tất cả những kĩ năng để có thể hòa nhập tốt với cuộc sống trong tương lai.
Lâm Nguyễn
(2) https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0071275