Tương lai nghề nghiệp – Tương lai con em chúng ta

Theo Báo cáo Tương lai việc làm 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), đến năm 2025, khoảng 52% khối lượng việc làm sẽ do người máy đảm nhiệm, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ hiện tại. Những thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ của máy móc, các thuật toán và chương trình máy tính có thể tạo ra 133 triệu vị trí mới thay thế 75 triệu công nhân từ nay đến năm 2022. Những lĩnh vực mà WEF cho rằng robot sẽ thay thế mạnh mẽ con người gồm kế toán, quản trị khách hàng, công nghiệp, bưu chính, thư ký và giúp việc.

Bên cạnh đó, WEF cũng cho rằng thách thức trong tương lai GẦN chính là việc tái đào tạo cho người lao động, đặc biệt là về #sáng_tạo#tư_duy_logic và #khả_năng_đàm_phán và #thuyết_phục. Đây được xác định là xu hướng chung hướng đến mục tiêu “học tập và thay đổi suốt đời”. Bởi vì, chưa bao giờ như lúc này, những khái niệm hoàn toàn mới xuất hiện và được nhắc đến ngày một nhiều.

Chúng ta đã hiểu đến đâu về trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, công nghệ điện toán đám mây khi hàng ngày dù vô tình hay cố ý vẫn đang sống trong những không gian ứng dụng này. Chúng ta đã biết gì về sinh trắc học (biometrics), về công nghệ blockchain hoặc về sự hợp nhất giữa người và máy khi chúng đang thực sự bùng nổ ngoài kia chứ không phải trên phim ảnh. Và hơn hết, chúng ta có biết rằng, thế giới đang có rất nhiều điều đã được định nghĩa lại, rằng tương lai là không thể đoán định, là không có biên giới ở tất cả các ý nghĩa của nó.

Ở ngã rẽ lịch sử này, chúng ta có quyền dừng lại, chọn đứng ngoài dòng chảy như thác lũ ngoài kia. Nhưng, những đứa trẻ của chúng ta, những đứa trẻ sẽ đảm nhận 65% công việc chưa xuất hiện, chưa được gọi tên chỉ trong vòng 10 đến 15 năm nữa (theo WEF) sẽ phải học gì đây để có thể thích ứng với kỷ nguyên này?

Nguồn tổng hợp: WEF, Vietnam Works