HỌC QUA ĐA GIÁC QUAN – PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ CON TRẺ, TẠI SAO KHÔNG?

Helen Keller – nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả “đặc biệt” nổi tiếng người Mỹ đã từng nói: “Hãy sử dụng đôi mắt, giống như ngày mai sẽ ta không nhìn được nữa. Lắng nghe âm nhạc huyền diệu mà các âm thanh phát ra, tiếng hót của chim non, âm hưởng của đội nhạc, giống như ngày mai sẽ không nghe được nữa. Hãy sờ vào những đồ vật mà bạn muốn sờ, giống như ngày mai sẽ mất đi cơ hội được chạm vào đó. Ngửi hương thơm của các bó hoa, hưởng thụ mùi vị của thức ăn thơm phức, giống như khứu giác và vị giác ngày mai không còn tồn tại nữa.”

Mỗi chúng ta đều được được tạo hóa  ban tặng cho các giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác để cảm nhận thế giới xung quanh. Mỗi giác quan phát triển một cách riêng biệt và có những đặc tính riêng. Tuy nhiên, thời đại ngày nay dường như, học sinh đã lãng quên những công cụ học tập hữu hiệu nhất để dành hết thời gian ngồi trong phòng học làm bài tập hoặc vùi đầu vào sách vở, tài liệu. Kiến thức thực tế và lý thuyết sách vở khác xa nhau.

Phương pháp giáo dục đa giác quan là gì?

Phương pháp giáo dục đa giác quan là sự kết hợp các giác quan: thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác, thị giác để đạt được hữu quả cao nhất. Đối với trẻ đang trong giai đoạn phát triển, thông thường mỗi lần tương tác hoặc khám phá thế giới xung quanh đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa hai hay nhiều hơn giữa các giác quan

Phương pháp giáo dục đa giác quan được nghiên cứu bởi Giáo sư, tiến sĩ Tiến sĩ Robert C. Titzer – Chuyên gia về nhân học và nghiên cứu tâm lý của trẻ tại California, Mỹ. Ông khẳng định rằng việc giúp trẻ học bằng nhiều giác quan cùng một lúc luôn có kết quả tốt hơn. Sự phối hợp các giác quan sẽ khiến các synapse thần kinh được gia tăng kết nối, tiếp nhận dẫn truyền thông tin diễn ra nhanh hơn, các vùng chức năng não phải hoạt động liên tục để xử lý thông tin, từ đó, tăng cường khả năng nhận biết, tư duy, ghi nhớ.

Cốt lõi của phương pháp này là: khi trẻ tỏ ra hứng thú ở một chủ đề đặc biệt nào đó, hãy giúp trẻ học đề tài đó bằng nhiều giác quan nhất có thể. Cách này thường gây hứng thú nhiều hơn đối với trẻ, tạo hiệu quả nhiều hơn vì các kênh thần kinh được hình thành giữa các vùng khác nhau của não sẽ nhận được những thông tin đa cảm giác.

Ngày nay, Ba mẹ thường hay lãng quên hoặc đánh mất quyền “khám phá” thế giới xung quanh theo cách của trẻ để chúng có thể thu thập lượng kiến thức nhiều nhất cho mình. Có chăng thì Ba mẹ cũng chỉ cho trẻ khám phá theo cách của “Ba mẹ” sau đó đòi hỏi trẻ phải “hiểu”. Hiểu làm sao được khi đó không phải là cách chúng “muốn” hoặc thứ chúng có “nhu cầu”. Hãy tập cho trẻ thói quen thu nhận kiến thức bằng mọi giác quan, tìm hiểu thế giới bên ngoài và cảm nhận để việc học trở nên thú vị hơn. Đặc biệt hãy khuyến khích, tạo cơ hội nhiều nhất có thể để trẻ “tự” làm điều đó – tốt nhất là thành một thói quen.

Mỗi sự vật, hiện tượng quanh ta đều phải cảm nhận bằng nhiều giác quan mới thấy hết được “giá trị” của nó.  Kiến thức cũng không  nằm ngoài quy luật ấy. Học qua đa giác quan, tại sao không?

Nguồn tham khảo: 

https://vnexpress.net/phong-van-truc-tuyen-ve-phuong-phap-day-tre-doc-som-2268459.html

https://vnexpress.net/tre-co-the-tap-doc-ngay-tu-9-thang-tuoi-2268452.html

https://dantri.com.vn/tin-tuyen-sinh/phat-trien-da-giac-quan-cho-tre-mam-non-nhu-the-nao-1384037805.htm

Kim Ngân