Những quy tắc giáo dục “lạ đời” của Phần Lan đến người Mỹ cũng phải nể

Bài tập về nhà khá ít, không trường chuyên lớp chọn, không có những kì thi, lựa chọn trang phục tùy thích khi đến lớp… là những quy tắc lạ đời trong hệ thống giáo dục của Phần Lan khiến cả thế giới phải ngã mũ thán phục.

Trong nhiều thập kỷ qua, hệ thống giáo dục của Phần Lan luôn được đánh giá là một trong những nền giáo dục thành công và tiên tiến nhất toàn cầu, bên cạnh Singapore, Nhật và Anh. Ngoài việc đào tạo nên những sinh viên xuất sắc, Phần Lan còn luôn tự hào và hãnh diện khi là môi trường sống, học tập của những học sinh hạnh phúc nhất trên thế giới. Vậy thì, bí mật của đất nước này là gì?

1. Học sinh được hoàn toàn miễn phí

Không chỉ học phí, học sinh không phải chi trả cho những khoản sau đây:

– Bữa trưa.

– Các tour du lịch, tham quan bảo tàng, hoạt động ngoại khóa.

– Xe buýt đưa đón nếu nhà cách trường hơn 2km.

– Sách giáo khoa, tài liệu học tập, máy tính, máy tính bảng. Phụ huynh không được mua cho con dụng cụ riêng.

Những quy tắc giáo dục lạ đời của Phần Lan khiến cả thế giới ngưỡng mộ

2. Tiệc qua đêm ở trường

Thỉnh thoảng những đứa trẻ Phần Lan mang theo túi ngủ và ở lại trường vào ban đêm với thầy cô giáo. Các em xem phim, chơi đùa, ngủ trong phòng tập thể dục và cùng ăn kem vào bữa sáng hôm sau.

3. Bình đẳng

Những quy tắc giáo dục lạ đời của Phần Lan khiến cả thế giới ngưỡng mộ

– Bình đẳng giữa các trường: Tất cả các trường đều được tài trợ cơ sở vật chất và trang thiết bị như nhau. Hầu hết các trường công lập đều giảng dạy cùng một giáo trình. Ngoại trừ một số trường bán công lập dạy bằng tiếng Anh, tiếng Đức hoặc tiếng Pháp, còn lại người Phần Lan luôn muốn bảo tồn ngôn ngữ của đất nước mình. Họ dạy tiếng Thụy Điển dùng làm ngoại ngữ thứ hai hoặc tiếng Sami, một dân tộc thiểu số ở Phần Lan.

– Bình đẳng giữa các môn học: không môn nào được ưu tiên hơn các môn khác.

– Bình đẳng giữa phụ huynh: giáo viên không được phép biết nghề nghiệp của phụ huynh học sinh.

– Bình đẳng giữa học sinh: học sinh không được chia thành lớp chọn hay lớp thường, cũng không chia theo khối. Không có học sinh ngoan hay học sinh cá biệt, tất cả đều phải trải qua những thách thức về thể chất và trí tuệ như nhau. Nguyên tắc cơ bản của một giáo viên là đối xử với học sinh với thái độ khách quan, công bằng.

4. Thời gian học chỉ 20 giờ mỗi tuần

Thời gian lên lớp vào mỗi thứ Hai chỉ có 3 giờ, mỗi tuần chỉ có 20 giờ học, trung bình bốn giờ một ngày trong lớp học, trong đó thậm chí bao gồm cả thời gian ăn trưa và thời gian ngoại khóa để cho phép các em khám phá và tận hưởng cuộc sống.

Hiệu trưởng một trường tiểu học cho biết: bộ não con người có nhu cầu nghỉ ngơi, bởi vì nếu không ngừng nhồi nhét, nó sẽ dần dần mất đi khả năng học hỏi, mà sự thật cũng đã chứng minh trẻ em Phần Lan hoàn toàn học tốt hơn so với nhiều nước khác, thậm chí là dẫn đầu.

5. Bài tập về nhà rất ít

Những quy tắc giáo dục lạ đời của Phần Lan khiến cả thế giới ngưỡng mộ

Học sinh nên nghỉ ngơi và dành thời gian cho gia đình thay vì làm bài tập. Do đó, bài tập về nhà của học sinh Phần Lan chiếm rất ít thời gian và thường rất thú vị. Chẳng hạn, đối với bài học lịch sử, học sinh có thể được yêu cầu hỏi ông bà xem cuộc sống những năm 1950 khác gì so với ngày nay.

6. Những chú chó trong thư viện

Để truyền đam mê đọc sách cho trẻ, nhiều thư viện ở Phần Lan có những chú chó được huấn luyện để lắng nghe học sinh đọc sách hoặc kể chuyện.

Những quy tắc giáo dục lạ đời của Phần Lan khiến cả thế giới ngưỡng mộ

7. Tiếp cận từng cá nhân

Học sinh Phần Lan được giao nhiệm vụ khác nhau tùy vào khả năng. Nếu ai không làm được nhiệm vụ nhất định, giáo viên sẽ lên bài giảng riêng cho học sinh đó.

Hơn nữa, học sinh được chọn hoạt động hữu ích đối với mình. Chẳng hạn, nếu bài học không gây hứng thú, các em có thể đọc sách hoặc may vá.

8. Học sinh được dạy những thứ cần thiết trong cuộc sống

Những quy tắc giáo dục lạ đời của Phần Lan khiến cả thế giới ngưỡng mộ

Trong các buổi học bơi, học sinh được dạy cách phát hiện dấu hiệu của một người bị đuối nước. Khi học về quản lý nhà cửa, các em được trang bị kỹ năng nấu nướng, đan móc và khâu vá. Học sinh Phần Lan có thể dễ dàng tạo website. Thiên nhiên cũng là mảng nội dung được các nhà giáo dục quan tâm.

Điều quan trọng ở đây là chuẩn bị khả năng thích nghi đối với thế giới liên tục thay đổi. Học thuộc lòng hoàn toàn không cần thiết vì các em đã có sự hỗ trợ của Internet.

9. Học sinh có thể mặc pyjamas (đồ ngủ) tới lớp 

Các trường học không quy định đồng phục, học sinh có thể mặc tùy ý. Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy các em đi tất trong lớp, không cần giày.

10. Lớp 3 mới bắt đầu chấm điểm

10 là số điểm cao nhất trong hệ thống giáo dục Phần Lan. Tuy nhiên, trước năm lớp 3, học sinh không bị chấm điểm. Từ lớp 3 đến lớp 7, chỉ có những điểm bắt đầu từ “có thể làm tốt hơn” đến “hoàn hảo”.

Mỗi học sinh biết điểm của riêng mình, không bị la mắng về điểm số, thay vào đó được tạo động lực để hoàn thiện tri thức và cải thiện kế hoạch học tập.

11. Chính sách “lấy trẻ em làm trung tâm”

Học sinh ở Phần Lan được tự do lên kế hoạch học tập, các giáo viên và phụ huynh chỉ hỗ trợ điều chỉnh. Học sinh ở đây cũng có quyền đề xuất để cải thiện quá trình giáo dục và làm cho việc học tập thoải mái hơn. Ngoài ra, các em có thể thảo luận với các kiến ​​trúc sư để thiết kế cơ sở vật chất cần có những gì mà mình kì vọng, giảm thiểu những quy định cứng nhắc.

Trong lớp học, các học sinh được tự do ngồi bất cứ nơi nào mình muốn thậm chí có thể nằm xuống ghế sofa nếu mệt. Bầu không khí trong lớp học rất tích cực và thoải mái. Học sinh được quyền tự do làm việc mình thích trong yên lặng nếu đã xong bài tập hoặc cảm thấy bài giảng là vô bổ. Nền giáo dục Phần Lan quan điểm rằng học sinh luôn tự biết điều gì là tốt nhất cho mình.

12. Nghề giáo rất được săn đón

Cuộc cạnh tranh vào khoa Giáo dục tại Đại học Helsinki rất khốc liệt, 20 người ứng tuyển vào một vị trí. Số người muốn dạy học vượt số chỉ tiêu trong ngành 10 lần. Lương trung bình hàng tháng của giáo viên là 3.500 euro.

Phần Lan không có chương trình giáo dục đóng khung. Mọi giáo viên quyết định sách và chương trình giảng dạy. Mỗi tiết học thường có một trợ lý đặc biệt, theo dõi và giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ.

13. Không có những kì thi

Những quy tắc giáo dục lạ đời của Phần Lan khiến cả thế giới ngưỡng mộ

Người Phần Lan có câu nói: “Nếu phải chọn lựa giữa chuẩn bị hành trang cho cuộc sống hay cho những kì thi, tôi chọn điều thứ nhất”. Đó là lí do không có kì thi nào trong những trường học ở Phần Lan. Giáo viên sẽ tự quyết định thời điểm tiến hành các bài kiểm tra. Chỉ có một kì thi duy nhất là bài thi viết để xét tiêu chuẩn tốt nghiệp trung học. Không có một lớp ôn luyện nào trước kì thi.

Trường học là nơi đào tạo những kĩ năng cần thiết trong cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp, trẻ em Phần Lan sẽ biết cách trả tiền thuế, lập trang web quảng cáo, tính phần trăm chiết khấu hoặc vẽ bản đồ.

14. Học hành là sự tự nguyện

Không thể tiếp thu kiến thức một cách ép buộc. Mọi giáo viên sẽ cố gắng khuyến khích học sinh học tập, nhưng nếu học sinh đó không muốn học hoặc không có khả năng học, họ muốn tập trung tìm kiếm một công việc thực tế hơn, giáo viên sẽ không vì thế mà liên tục cho học sinh đó điểm thấp. Việc học lại một năm cũng không phải điều đáng xấu hổ nếu nó cần thiết cho tương lai. Giáo dục Phần Lan đặc biệt chú trọng tính thực tiễn.

Tuy nhiên, chính phủ Phần Lan vẫn chưa hài lòng về hệ thống giáo dục của mình bởi sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động cũng như sự phát triển chóng mặt của công nghệ. Đối với Phần Lan, việc giáo dục không chỉ giới trong nhà trường mà còn cần sự phối hợp của gia đình, cộng đồng xã hội, giới nghệ sĩ có ảnh hưởng trong giới trẻ cho đến các chính trị gia. Bởi vậy, các dự thảo về giáo dục tại nước này thường thu hút được sự quan tâm rộng rãi của dư luận cũng như ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống trong xã hội.

(Theo Hạnh Nguyên – Báo Thể thao và Văn hóa)