Giải mã “story crafting” – Phương pháp kể chuyện cho cả người lớn & trẻ em

Kể chuyện là một nghệ thuật, và người kể chuyện là người nghệ sĩ. Trong Webinar giúp Ba Mẹ & con trở thành “Nghệ sĩ kể chuyện” vừa rồi, thầy Võ Nguyễn Hoàng Lâm đã chia sẻ chủ đề “story crafting” (hay còn gọi là Sadutus – Phương pháp kể chuyện từ Giáo dục Phần Lan), giúp tạo ra sợi dây kết nối giữa Ba Mẹ & con thông qua rất nhiều lần thực tập kể chuyện. Ứng dụng “story crafting” vào thực tế cũng đã giúp rất nhiều cha mẹ ở Phần Lan cải thiện giao tiếp trong công việc hàng ngày, Ba Mẹ hãy đọc tới cuối để biết rõ hơn về hiệu quả phương pháp này nhé.

Lợi ích của “story crafting” với trẻ nhỏ

“Story crafting” có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ và xây dựng mối quan hệ giữa Ba Mẹ, nhất là trong giai đoạn 4-7 tuổi, giai đoạn phát triển trí não, tính cách & các kĩ năng nền tảng, cụ thể:

1. Phát triển khả năng tư duy, ghi nhớ, phân tích

Kể từ khi biết nói, sau khi trải qua giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3”, thế giới của trẻ bắt đầu mở ra. Con trở nên độc lập hơn và bắt đầu tập trung hơn vào những sự vật, con người xung quanh ngoài gia đình. Các bạn nhỏ sẽ muốn khám phá và hỏi về bất kì thứ gì mới lạ, thu hút sự chú ý của bạn. Tương tác của các bạn với gia đình và những người xung quanh lúc này giúp hình thành cách suy nghĩ, phân tích các vấn đề.

Trẻ học cách tập trung và sử dụng khả năng nhận biết của mình cho các mục đích cụ thể. Ví dụ, con có thể học cách chú ý và ghi nhớ từ mới, kể lại những câu chuyện, hiện tượng hoặc các sự kiện mà trẻ được nghe, được thấy.

“Story crafting” vì thế có thể áp dụng được ở nhiều bối cảnh – trong nhà, khi đi chơi, tại lớp học, v.v hay trong nhiều hoạt động cá nhân, tập thể giúp trẻ phát triển mạnh mẽ các giác quan, nhận thức, khả năng ghi nhớ, phân tích và tường thuật lại.

2. Xây dựng nhân cách

Ngày còn nhỏ, chúng ta thường được Ba Mẹ kể cho những câu chuyện cổ tích, những mẫu hình thiện ác, những hành vi hiện lên trong câu chuyện định hình khái niệm của ta về nhân cách. Với trẻ nhỏ thời nay khi lượng thông tin ngày càng phức tạp, việc trẻ được tiếp xúc các khái niệm về nhân văn từ nhỏ, với nhiều tình huống đa dạng và lồng ghép trí tưởng tượng ở nhiều bối cảnh (thiên nhiên, vũ trụ, quá khứ, hiện tại, tương lai, v.v) sẽ giúp trẻ có sự nhận biết linh hoạt hơn.

Trẻ từ đó có thể phân biệt các hành vi, xây dựng khả năng thấu cảm (Empathy), tìm cho mình cách ứng xử phù hợp, thích ứng với nhiều hoàn cảnh trong thực tế.

3. Bồi đắp vốn từ, thói quen giao tiếp, biểu đạt, cách kể chuyện

Trẻ bắt đầu học nói từ khi lên hai, trong khi tiếp xúc với rất nhiều các ý niệm mới, trẻ sẽ phát triển khả năng tiếp nhận từ ngữ, nói thành câu, đoạn, thành câu chuyện. Trẻ luyện tập để nói những câu, đoạn có ý nghĩa, có sự logic và phù hợp với bối cảnh.

Thậm chí từ trước đó, trẻ đã học cách để biểu hiện những mong muốn, suy nghĩ của mình qua biểu cảm, giọng nói, ngôn ngữ cơ thể và đưa ra kết luận của riêng mình. Trẻ từ rất sớm đã hiểu được người khác muốn gì và áp dụng những điều trẻ được học để bày tỏ và xử lý vấn đề hàng ngày.

Sử dụng “story crafting” sẽ là cơ hội để trẻ được bồi đắp vốn từ để càng ngày càng trở nên phong phú. Con sẽ học từ mới qua hình ảnh, qua sự tưởng tượng. Việc xây dựng các câu chuyện cũng giúp cho tư duy của trẻ được kết nối liền mạch, phát triển nhiều góc nhìn đa dạng và từ đó khiến trẻ cảm thấy thoải mái hơn trong việc bày tỏ ý kiến.

4. Rèn luyện sự tự tin, khả năng phản tư và sự tôn trọng mọi người

Có thể nói, tự tin (confidence), hay sự tự tôn (self-esteem) cần được hình  thành ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Trẻ từ đó sẽ có khả năng tự nhận xét, tự hiểu về giá trị của bản thân của mình và những người xung quanh. Người có lòng tự tôn cũng sẽ có biểu hiện tự tin trong các hoạt động mình tham gia.

Vậy tại sao nói “story crafting” giúp hình thành sự tự tin và tự tôn ở trẻ em? Điểm đặc biệt của “story crafting” chính là việc câu chuyện không đến từ một phía người kể, mà trước đây là ba mẹ. Đây cũng chính là sự khác biệt giữa “story crafting” và “story telling”. Ở đây, trẻ đóng vai trò chính trong việc đạo diễn câu chuyện của mình, ba mẹ là người ghi chép. Vai trò của ba mẹ và con là ngang nhau, trẻ có sự tham gia rất chủ động. Khi trẻ thấy câu chuyện của mình được giữ nguyên và tường thuật lại, trẻ sẽ tự nhận ra điểm mình muốn thay đổi, phát triển cho hấp dẫn, thú vị hơn. Thông qua việc nghe, sau đó để trẻ tự kể, ba mẹ đặt câu hỏi, sự kết nối với ba mẹ cũng sẽ trở nên sâu sắc hơn. Ba mẹ sẽ hiểu được “ngôn ngữ trẻ thơ” và mong muốn của các em. Khi các mong muốn này được tôn trọng, trẻ cũng sẽ biết học cách lắng nghe, chia sẻ và tận dụng những ý tưởng hay từ mọi người.

Lợi ích của “story crafting” với người lớn, nhất là những người làm việc nhiều với trẻ em

Phương pháp “story crafting” khác với phương pháp kể chuyện truyền thống (story telling). Phương pháp “story crafting” mang lại những lợi ích mới cho mối quan hệ giữa những người tham dự. Sự khác biệt đối với kể chuyện truyền thống là khi xây dựng câu chuyện, bạn chủ động đưa ra các tình huống để chia sẻ cụ thể, bằng cách viết ra câu chuyện đã nghe và kể lại nó. Ngoài ra, bạn không đánh giá nội dung của câu chuyện hoặc cách trình bày câu chuyện.

Phương pháp “story crafting” dựa trên giả định kiến ​​thức có thể kết hợp và kế thừa. Điều đó có nghĩa là mỗi con người, không kể tuổi tác, bệnh tật hay khuyết tật, người kể chuyện đều có nhiều kiến ​​thức và cũng có quyền thể hiện điều đó. Ngoài ra, phương pháp “story crafting” tạo ra sự thay đổi trong cuộc đối thoại giữa người phỏng vấn/ chuyên gia và khách hàng (có thể là trẻ em). Thay vì thông thường chuyên gia hay người phỏng vấn nắm thế chủ động trong cuộc hội thoại, ví dụ như:
1) đưa ra câu hỏi,
2) khách hàng trả lời câu hỏi và
3) người phỏng vấn dự đoán câu trả lời.

thì ở “story crafting”, cuộc trò chuyện cởi mở hơn, cả hai phía tham gia đều có cơ hội bình đẳng để thể hiện sáng kiến, đánh giá và sự đóng góp cho câu chuyện. Ứng dụng “story crafting” đã giúp tháo gỡ nhiều vấn đề của trẻ trong môi trường trị liệu và sư phạm. Những nhân viên của các trung tâm trị liệu sau khi áp dụng “story crafting” đều nhận thấy rằng lượng thời gian làm việc với trẻ em tăng lên so với cảm giác mất nhiều thời gian như khi sử dụng các phương pháp truyền thống. Họ đã bắt đầu lắng nghe thực sự, thay vì chỉ nghe để đánh giá. Bản thân tình huống xây dựng câu chuyện trong “story crafting” đã mang lại cho người lớn rất nhiều ý niệm mới và năng lượng.

Phương pháp tạo truyện có thể được sử dụng trong: phỏng vấn, tường thuật & thu thập thông tin, luyện khả năng đọc & viết, tăng cường sự hợp tác trong nhóm. Đối với hình thức chăm sóc khách hàng hay dịch vụ, phương pháp này cũng sẽ thay đổi tư duy của nhân viên, khi họ sẽ hướng đến việc khách hàng làm trung tâm hơn, tạo sự tin tưởng và sợi dây kết nối bền chặt với khách hàng.

Bài tiếp: Các trường hợp ứng dụng story crafting trong thực tế

Nguồn: http://www.edu.helsinki.fi/lapsetkertovat/lapset/In_English/Storycrafting_method/text_2.htm