Liệu bạn đã biết cách “tàn nhẫn” với con đúng cách???

“Nếu không thể trở thành triệu phú hay thiên tài, hãy trở thành cha mẹ của triệu phú hoặc thiên tài”

Sarah Imas, nữ tác giả của quyển sách nổi tiếng về phương pháp dạy con của người Do Thái “Vô cùng tàn nhẫn Vô cùng yêu thương” đã đúc kết: “Tình yêu đối với con cái của một số cha mẹ Trung Quốc giống như hình tử cung, họ luôn muốn bao bọc lấy chúng trong tình yêu thương vô điều kiện của mình suốt cuộc đời. Còn tình yêu của các bậc cha mẹ Do Thái đối với con cái thì tựa như hình một đống lửa, tình yêu đó được dằn sâu trong lòng, dưới biểu lộ sắt đá và cứng cỏi, họ chỉ làm một ngọn lửa rực sáng, soi rọi con đường phía trước cho con cái, để chúng có thể tự học cách sinh tồn, vươn lên trong cuộc đời”.

Khi nhấm nháp từng trang của quyển sách, tôi như đang tham gia một hành trình đầy thú vị và bất ngờ, quá nhiều kiến thức và dẫn chứng sâu sắc và chính xác đến mức tôi nhìn thấy chính mình trong ấy, cùng những ngộ nhận về việc yêu thương và chăm sóc con cái. Yêu thương con cái là bản năng của một người mẹ, còn tàn nhẫn đúng cách với chúng chính là bản lĩnh. Hãy cùng tôi tìm hiểu triết lý này nhé!

1. Nếu trẻ được gia đình yêu thương và luôn được đáp ứng mọi yêu cầu thì sẽ ra sao??

Những đứa trẻ ăn ngon mặc đẹp, quen được gia đình đáp ứng mọi đòi hỏi của mình trong một thời gian dài sẽ hình thành nên nhận thức sai lầm, nghĩ rằng những việc cha mẹ làm vì yêu thương con cái là lẽ đương nhiên. Từ đó, trẻ tự cho mình là trung tâm vũ trụ, dù cha mẹ đặt ra quy định gì đi nữa cũng chẳng ăn thua. Trẻ sẽ không tạo được thói quen cảm thông và yêu thương người khác, không học cách cho đi mà chỉ biết nhận sự quan tâm chăm sóc một chiều từ người khác.

Nếu bảo bọc con cái quá mức cần thiết còn khiến chúng mất đi khả năng tự lập, khả năng tự rèn luyện tư duy phản biện và ý chí sinh tồn bị bào mòn.

2. Vậy “tàn nhẫn” đúng cách là như thế nào?.

Tàn nhẫn để dạy con những kỹ năng sinh tồn, chính là yêu thương. Ba mẹ cũng lưu ý “tàn nhẫn” không có nghĩa là dạy con bằng roi vọt, mà chính là dạy con bằng kỷ luật và sự nghiêm khắc, để con được rèn giũa những kỹ năng tốt đẹp sau này. Con cần biết cách đứng trên đôi chân mình để vượt nhiều thử thách trong cuộc sống. Để làm được điều đó, ba mẹ cũng cần thể hiện là một tấm gương để trẻ nhìn và noi theo.

3. Trẻ sẽ được gì khi ba mẹ “tàn nhẫn đúng cách” với chúng?

Theo Sarah Imas, có 4 nguyên tắc chính trong việc “tàn nhẫn đúng cách” để giúp trẻ là:

Yêu con trong nguyên tắc: Có làm có hưởng

Yêu con trong nguyên tắc có làm có hưởng giúp trẻ biết trân trọng giá trị của những thành quả mà chúng tự mình đạt được. Bên cạnh đó, nguyên tắc còn thúc đẩy khát khao tạo ra thành quả của chính trẻ. Khát khao ấy lại trở thành chất xúc tác cho nhiều kỹ năng thiết yếu hơn nữa tiềm ẩn trong bản thân trẻ.

Trì hoãn sự thỏa mãn trên danh nghĩa của tình yêu

Cha mẹ nên cho con cái cơ hội để thấu hiểu khó khăn của ba mẹ. Không cần cố gắng mọi giá để đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi của con cái. Nếu những yêu cầu đó không phải cấp thiết, cha mẹ nên tạo cơ hội để chúng phải phấn đấu, đóng góp công sức thì mới đạt được. Khi đó, chúng sẽ biết quý những gì mình nhận được và hiểu hơn những cố gắng của cha mẹ khi nuôi dưỡng con cái.

Càng yêu con càng cần lùi bước

Cha mẹ không nên bao bọc quá mức con cái, hay luôn theo dõi nhất cử nhất động để sẵn sàng giúp đỡ trẻ. Cần thể hiện sự “tàn nhẫn” bằng cách tạo môi trường cho con trải nghiệm trở ngại, từ đó con mới có thể hình thành những kỹ năng thiết yếu như rèn luyện tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng. Cha mẹ chỉ cần quan sát từ xa và xuất hiện đúng lúc khi con thật sự cần sự giúp đỡ. Và hãy nhớ, chỉ giúp đỡ con khi thật sự cần thiết và chỉ giúp đỡ, chứ không phải làm thay! Càng

Cha mẹ nhẫn tâm để yêu thương con sâu đậm

“Nhẫn tâm” lùi ra khỏi cuộc sống của con, sẽ là cách giúp con trưởng thành hơn. Tuy nhiên, lùi một bước không bao giờ có nghĩa là bỏ mặc con hoàn toàn. Ranh giới giữa bỏ mặc và lùi một bước là rất nhỏ, nhưng lại tồn tại sự khác biệt vô cùng lớn. Nếu trẻ cần được bảo vệ hoặc vấp phải khó khăn vượt quá tầm xử lý của chúng, phụ huynh phải có sự hỗ trợ trẻ thật kịp thời. Nói cách khác, cha mẹ cần đứng ở “cự ly an toàn”, để bảo vệ, để trẻ biết rằng khi nguy cấp, cha mẹ nhất định sẽ xuất hiện.

4. Làm cách nào để thực hành “tàn nhẫn đúng cách”

  • Coi trọng việc bồi dưỡng kỹ năng cho trẻ như: kỹ năng sinh tồn, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thông tin, kỹ năng lập kế hoạch.
  • Nói không với những đòi hỏi quá đáng. Nếu những đòi hỏi của con không cần thiết và phù hợp, hãy nói không với con, và giúp con hiểu, con chỉ có thể có nó thông qua việc con nỗ lực tự giành lấy.
  • Nói không với ranh giới đã được thiết lập với con trẻ, hay nói theo một cách dễ hiểu hơn đó là những quy tắc ràng buộc trẻ trong cách giao tiếp, học tập và hành động. Không thể thỏa hiệp trong mọi tình huống, vì nguyên tắc là bất di bất dịch, không thể thay đổi, và hãy luôn nhớ rằng, nếu chúng ta dễ dàng thỏa hiệp một lần, đồng nghĩa với việc sẽ có lần thứ 2, thứ 3 và dần dần hướng đến lần thứ n.
  • Nói không khi con đe dọa đến bản thân mình và người khác (nghịch ổ điện, chơi đùa ở ban công hoặc hành lang tầng cao, đánh bạn, ném đồ đạc, cấu véo bạn,…).
  • Nói không khi con đùn đẩy trách nhiệm. Hãy dạy con biết cần rèn luyện tư duy phản biện để đánh giá hậu quả việc làm và khả năng nhận trách nhiệm về mình.
  • Nói không khi con có biểu hiện của tính buông thả, hãy luôn kỷ luật và tuân theo những quy tắc.

Phương Châu (sưu tầm và tổng hợp)

Tham khảo:

Sách “Vô cùng tàn nhẫn Vô cùng yêu thương” – Sara Imas

http://tramdoc.vn/tin-tuc/vo-cung-tan-nhan-vo-cung-yeu-thuong-neu-khong-the-tro-thanh-trieu-phu-hay-thien-tai-hay-tro-thanh-cha-me-cua-trieu-phu-hoac-thien-tai-np9zbW.html